Kinh tế châu Âu bộc lộ những dấu hiệu sa sút mới

Nền kinh tế châu Âu đã bộc lộ dấu hiệu sa sút hơn khi Đức, Pháp, Anh và Italy bắt đầu hứng chịu tác động nặng nề từ khủng hoảng nợ công.
Nền kinh tế châu Âu đã bộc lộ dấu hiệu sa sút rõ ràng hơn khi các "đầu tàu" như Đức, Pháp, Anh và Italy bắt đầu hứng chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro.

Theo thông báo ngày 8/8 của Bộ Kinh tế Đức, sản lượng công nghiệp tháng Sáu của nước này giảm 0,9% so với tháng trước - trong đó xây dựng giảm 2,0% và chế tạo giảm 1,0%, riêng sản lượng năng lượng tăng 1,2%. Thực trạng này khiến sản lượng kinh tế nói chung của Đức trong quý Hai năm nay giảm 0,3%, sau khi đã giảm 0,1% trong quý Một.

Trong khi đó, các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh cho thấy chiều hướng sụt giảm mạnh hơn trong những tháng tới.

Giới phân tích cho rằng, các số liệu bi quan về sản lượng báo hiệu tương lai ảm đạm đối với nền kinh tế Đức, chứng tỏ cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro đang ngày càng tác động xấu đến nền kinh tế lớn nhất khu vực và đe dọa sức mạnh kinh tế của toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tại Pháp, Ngân hàng Trung ương nước này cùng ngày dự báo, kinh tế Pháp sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái thứ hai trong vòng ba năm nay. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III năm nay giảm 0,1%, sau khi đã giảm ở mức tương tự trong quý Hai và giảm xuống mức số 0 trong quý Một. "Đầu tàu" thứ hai cũng đang phải đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại khi nhập siêu trong quý I lên tới 34,9 tỷ euro (43,2 tỷ USD).

Theo Bộ trưởng Thương mại Nicole Bricq, số liệu này cho thấy, kinh tế thế giới tiếp tục suy yếu, khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng euro càng trở nên trầm trọng, nhưng cũng chứng tỏ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp "có vấn đề."

Pháp đã thoát khỏi cuộc suy thoái gần đây nhất từ mùa Xuân năm 2009, sau đó phải vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng do số phận bấp bênh của đồng euro và những vấn đề liên quan đồng tiền này trên thị trường tín dụng, khiến người tiêu dùng và giới đầu tư hủy hoặc trì hoãn các quyết định chi tiêu, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cũng trong ngày 8/8, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này với lý do khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro đe dọa nghiêm trọng đà phục hồi kinh tế của xứ sở sương mù.

Theo báo cáo hàng quý mới nhất của BoE, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay giảm gần đến số 0, chứ không phải chỉ 1,0% như dự báo ban đầu.

Mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế bắt nguồn từ việc Khu vực đồng euro không thực hiện các chính sách ứng phó khủng hoảng nợ đủ nhanh nhằm đảm bảo những điều chỉnh về mức độ nợ công và khả năng cạnh tranh diễn ra một cách có trật tự.

Kinh tế Anh đã thoát khỏi tình trạng suy thoái sâu từ cuối năm 2009, nhưng cuối năm 2011 lại rơi vào suy thoái.

Những số liệu mới nhất cho thấy, GDP của Anh giảm 0,7% trong quý II năm nay so với quý trước đó. Tuy nhiên, BoE dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 2,0% vào năm 2013.

Trước đó, ngày 7/8, Italy cũng thông báo GDP quý Hai của nước này giảm 2,5% so với một năm trước đó.

Ngày 8/8, Fitch đã trở thành hãng xếp hạng tín dụng thứ ba hạ mức xếp hạng này của Slovenia. Theo đó, mức xếp hạng nợ ngắn hạn của Slovenia bị giảm một điểm xuống "A-," triển vọng nợ ngắn và dài hạn bị đánh giá là "tiêu cực."

Theo báo cáo của Fitch, cơ quan này quyết định hạ mức xếp hạng tín dụng đối với Slovenia sau khi nhận thấy chiều hướng tiếp tục sa sút trong hoạt động của khu vực ngân hàng nước này và sự chậm trễ của chính phủ Slovenia trong việc thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu để đáp ứng các nhu cầu về tài chính và tái cấp vốn cho khu vực ngân hàng.

Fitch dự đoán vào năm 2013, Slovenia cần "bơm" thêm 2,8 tỷ euro (3,5 tỷ USD), tương đương 8,0% GDP của nước này, cho khu vực ngân hàng.

Cách đây một tuần, hãng xếp hạng tín dụng Moody's cũng đã hạ mức xếp hạng trái phiếu chính phủ của Slovenia từ "A2" xuống "Baa2." Ngay sau đó, hãng Standard & Poor's cũng hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của nước này từ "A+" xuống "A"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục