Kinh tế châu Á-TBD đối mặt với nhiều xáo trộn và thách thức

Trung Quốc kêu gọi các nền kinh tế APEC tiếp tục duy trì chủ nghĩa khu vực mở, kiên định thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế khu vực, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư.
Kinh tế châu Á-TBD đối mặt với nhiều xáo trộn và thách thức ảnh 1Dây chuyền sản xuất tại nhà máy lắp ráp ô tô Trường An ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Detroit (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho rằng quá trình phát triển kinh tế và thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương vẫn đối mặt nhiều xáo trộn và thách thức.

Phát biểu trên của Bộ trưởng Vương Văn Đào được đưa ra giữa bối cảnh tình trạng bất ổn và rạn nứt thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng.

Theo ông Vương, khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn là khu vực có sức tăng trưởng, tiềm năng phát triển và khả năng phục hồi kinh tế cao nhất trong các khu vực trên toàn cầu, nhưng sự phát triển kinh tế và thương mại vẫn phải đối mặt với nhiều xáo trộn và thách thức.

Ông Vương cũng thảo luận về lập trường của Trung Quốc trong việc hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và thúc đẩy phát triển thương mại bền vững và toàn diện.

[IMF nâng dự báo và cảnh báo những rủi ro đối với kinh tế châu Á]

Ông cho biết Trung Quốc kêu gọi các nền kinh tế APEC tiếp tục duy trì chủ nghĩa khu vực mở, kiên định thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế khu vực, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư, đồng thời chia sẻ các cơ hội và lợi ích do sự phát triển hội nhập của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng khu vực mang lại.

Bên cạnh đó, ông Vương cũng kêu gọi các nước APEC thực hiện trao đổi và phối hợp chính sách, thúc đẩy hợp tác công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các nền kinh tế kém phát triển nhất và giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ cơ hội phát triển.

Các nhà lãnh đạo thế giới vẫn đang tìm cách củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn vẫn đang chao đảo sau dịch COVID-19.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang vật lộn để lấy lại chỗ đứng vững chắc, do ba năm áp dụng các chính sách hạn chế để kiểm soát dịch bệnh đã làm giảm tốc độ tăng trưởng. Các biện pháp hạn chế phần lớn đã được dỡ bỏ vào tháng 12/2022 và chính phủ đã tăng cường một số biện pháp để kích thích mở rộng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục