Kinh tế châu Á tăng trưởng khiêm tốn, ít điểm sáng trong năm 2023

Chuyên gia kinh tế Bert Burger của Atradius nhận định các nền kinh tế châu Á đang trên đà tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay, nhanh nhất là Philippines sẽ tăng trưởng 4,1%.
Kinh tế châu Á tăng trưởng khiêm tốn, ít điểm sáng trong năm 2023 ảnh 1Một quầy hàng tại chợ Namseong ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á” của công ty bảo hiểm thương mại toàn cầu Atradius, có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) chỉ ra rằng sự phục hồi kinh tế khu vực “đang mất đà” do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, lạm phát, môi trường kinh tế toàn cầu suy yếu và căng thẳng địa chính trị.

Chuyên gia kinh tế Bert Burger của Atradius nhận định các nền kinh tế châu Á đang trên đà tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay, nhanh nhất là Philippines sẽ tăng trưởng 4,1%, tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam cùng 4%, trong khi Indonesia là 3,6%.

Theo ông, với nền kinh tế và hệ thống tài chính ngày càng vững mạnh, 5 thị trường mới nổi lớn nhất Đông Nam Á vẫn kiên cường trước những cú sốc bên ngoài gần đây, khiến các nền kinh tế có nhiều khả năng được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, Atradius dự báo tăng trưởng ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giảm lần lượt 0,7% và 0,8% do lạm phát cao. Tại Trung Quốc, nhu cầu xuất khẩu sang các nền kinh tế phát triển giảm và lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn sẽ hạn chế tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới ởkhông quá 4,5% trong năm nay.

[Moody's đánh giá lạm phát đã vượt đỉnh ở các nền kinh tế châu Á]

Báo cáo lưu ý nền kinh tế Trung Quốc đang vận hành tốt trong ngắn hạn, nhưng phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng cơ cấu chậm lại. Dân số già, vốn nhân lực không phù hợp, tăng trưởng năng suất thấp, thay đổi chuỗi cung ứng và cạnh tranh địa chính trị là những lý do chính khiến Trung Quốc có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. 

Bên cạnh đó, nhà kinh tế Burger cũng cảnh báo rằng trong khi việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã mang lại lợi ích cho các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, việc mở rộng xu hướng này có thể dẫn đến nguy cơ phân mảnh địa - kinh tế nghiêm trọng của các dòng chảy thương mại và tài chính.

Theo ông, hậu quả tiềm ẩn của một kịch bản phân mảnh - bao gồm giảm đầu tư, việc làm và tăng trưởng - dự kiến sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn cho châu Á vì vai trò trung tâm của khu vực này trong sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, báo cáo cũng dự báo những "cơn gió ngược" về kinh tế sẽ yếu đi trong những tháng tới, do tác động của các đợt mở cửa trở lại của Trung Quốc lan rộng khắp khu vực.

Atradius kỳ vọng phục hồi sẽ lấy lại đà vào năm 2024, với mức tăng trưởng của Indonesia được dự đoán sẽ tăng lên 5,5% vào năm tới, trong khi mức tăng trưởng của Thái Lan được dự báo là 4,4%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục