Kinh tế châu Á sẽ đối mặt “cơn gió ngược” trong năm 2025

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc của Trung Quốc, khả năng xảy ra xung đột thương mại toàn cầu dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đồng nghĩa với kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2025.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng DW (Đức), tăng trưởng kinh tế giảm tốc của Trung Quốc và khả năng xảy ra xung đột thương mại toàn cầu dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đồng nghĩa với việc kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng chậm hơn và có khả năng thiếu ổn định trong năm 2025.

Vậy nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai của ông Trump sẽ có ý nghĩa gì với các quốc gia phụ thuộc vào thương mại với Mỹ? Đây là những câu hỏi lớn mà châu Á đang phải đối mặt.

Tác động từ sự tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc đã phải nỗ lực duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng trong năm 2024 trong bối cảnh tình hình khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài, nợ công cao và tiêu dùng trì trệ.

Số liệu thống kê công bố tháng 11/2024 cho thấy sự phục hồi bền vững vẫn chưa đạt được. Sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ, trong khi tăng trưởng doanh số bán lẻ không mấy ấn tượng.

Tháng 12/2024, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc, đã thảo luận nhiều giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại rằng nước này đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5%. Và chính phủ cũng đạt sự đồng thuận rộng rãi về việc đặt mục tiêu tương tự cho năm 2025.

Trong cuộc phỏng vấn với tổ hợp truyền thông DW của Đức, ông George Magnus, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford đồng thời là cựu nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng UBS, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc cho rằng có một tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp.”

Ông Magnus nêu rõ: "5% có lẽ là con số khác với mức mà nền kinh tế Trung Quốc có thể duy trì mà không gặp khó khăn."

Mua bán và xuất khẩu của Trung Quốc

Xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, bất chấp tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường nội địa. Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis, Alicia Garcia-Herrero, cho biết: “Số liệu thống kê tháng 11/2024 cho thấy sản lượng công nghiệp tăng cao hơn so với tháng 10/2024, nhưng doanh số bán lẻ tăng thấp hơn so với sản lượng công nghiệp.”

ttxvn-san-xuat-cong-nghiep-cua-trung-quoc.jpg
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất ôtô ở khu công nghiệp Vũ Hán, Trung Quốc ngày 11/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông cho rằng các vấn đề có thể diễn biến ngoài dự kiến do chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng trong khi Trung Quốc chưa đưa ra các giải pháp thích hợp. Ông nói: “Tôi nghĩ năm 2025 là thời điểm để điều chỉnh và Trung Quốc cần phải điều chỉnh thật sớm.”

Khó khăn của thị trường bất động sản

Lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc là thị trường bất động sản. Khoảng 70% tài sản gia đình ở Trung Quốc được nắm giữ dưới dạng bất động sản và nhà ở chiếm khoảng 20% nền kinh tế. Có những dấu hiệu dự báo cho thấy giá vẫn đang giảm và lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể chưa phục hồi cho đến nửa cuối năm 2025.

Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch, giá nhà mới sẽ giảm thêm 5% trong năm 2025.

Sự khác biệt về dữ liệu kinh tế của Trung Quốc

Việc đánh giá đơn giản tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trở thành một vấn đề. Phát biểu tại một cuộc họp của các nhà đầu tư ở Thâm Quyến, ông Gao Shanwen, nhà kinh tế trưởng tại Công ty giao dịch chứng khoán nhà nước SDIC Securities, cho rằng số liệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có một chút khác biệt.

Nhà kinh tế Garcia-Herrero nhận định số liệu của Trung Quốc có một chút khác biệt với những gì các nhà đầu tư và công ty đang báo cáo.

Tác động từ các chính sách mới của Mỹ

Lực cản lớn nhất tác động vào châu Á trong năm 2025 có thể sẽ là “chính quyền Trump 2.0,” Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức cuối tháng 1/2025 và châu Á này sẽ nhanh chóng cảm nhận được toàn bộ tác động của sự thay đổi ở Washington.

Ông Trump đã cảnh báo áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến xuất khẩu của châu Á và tác động dây chuyền toàn cầu.

Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump có thể chuyển thành nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại song phương của Mỹ, vốn được coi là thông tin ít được mong đợi đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ.

Nhà kinh tế Magnus nói: “Tôi nghĩ rằng thuế quan sẽ là một phần trong chính sách kinh tế của ông Trump khi chúng có hiệu lực vào năm 2025. Nhưng thật khó để biết ông ấy sẽ áp dụng chúng như thế nào, ở mức độ nào và liên quan đến những gì”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục