Kinh tế châu Á khó khởi sắc trong 6 tháng cuối năm nay

Giới phân tích dự báo rằng các nền kinh tế châu Á sẽ không thể đạt mức tăng trưởng cao trong sáu tháng cuối năm 2015.
Kinh tế châu Á khó khởi sắc trong 6 tháng cuối năm nay ảnh 1Giới phân tích dự báo rằng các nền kinh tế châu Á sẽ không thể đạt mức tăng trưởng cao trong sáu tháng cuối năm 2015. (Nguồn: AFP)

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tiến hành tăng lãi suất vào cuối năm nay và nhu cầu nội địa tại phần lớn các khu vực của châu Á đang đình trệ, giới phân tích dự báo rằng các nền kinh tế châu Á sẽ không thể đạt mức tăng trưởng cao trong sáu tháng cuối năm 2015.

Những số liệu tích cực về kinh tế Mỹ thời gian gần đây đã làm gia tăng những lời đồn đoán về khả năng chính sách nới lỏng tiền tệ của Washington đang đi đến hồi kết.

Sự thay đổi này là một trong những nguyên nhân gây ra “sự lo lắng” hiện nay tại các thị trường châu Á. Bất chấp tính thanh khoản cao cùng chi phí tài chính thấp, sức tiêu thụ và đầu tư tại khu vực này vẫn yếu, do giá hàng hóa lao dốc, trong khi phần lớn các nền kinh tế khu vực - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực chế tạo, ôtô và hàng điện tử - cũng đang phải đối mặt với nhu cầu yếu ớt "kinh niên".

Số liệu về hoạt động xuất khẩu trong thời gian từ tháng 1-4/2015 của các quốc gia châu Á cho thấy hoạt động này đang ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực trong quý II/2015.

Theo nghiên cứu của ngân hàng Deutsche Bank (Đức), kể cả khi nhu cầu tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có khởi sắc trong nửa cuối năm nay thì những tác động của nó đối với hoạt động xuất khẩu của châu Á cũng "khiêm tốn", do các nhà xuất khẩu của khu vực này không có quyền định giá thị trường, trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp.

Các nhà quản lý thu mua tỏ ra hoài nghi về triển vọng thương mại của châu Á. Điều này đi ngược lại với những diễn biến tích cực trên thị trường lao động Mỹ - vốn đã kiến tạo được nhiều việc làm trong một năm qua cùng những dấu hiệu tăng lương nhất định.

Nomura Equity Research cho rằng nguyên nhân một phần do xuất khẩu châu Á đang ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu tại những thị trường mới nổi (trong đó có Trung Quốc) và hiện nay nhu cầu này đang yếu đi.

Trong khi đó, ngân hàng HSBC nhận định, sức tăng trưởng tại những quốc gia mới nổi của châu Á, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phần lớn đến từ sự gia tăng của các khoản nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục