Ngày 3/5, Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã công bố báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN+3 (gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) được dự báo đạt 5,4% trong năm nay chủ yếu nhờ sự gia tăng nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu trong khi lạm phát ổn định.
Theo báo cáo mang tên "Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2018," với nhu cầu bên ngoài được cải thiện, tăng trưởng kinh tế trong khu vực dự báo sẽ lần lượt đạt 5,4% và 5,2% trong năm nay và năm 2019. Riêng trong năm nay, Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo khu vực này vẫn cần cảnh giác với những nguy cơ bên ngoài trong ngắn hạn xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và việc siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.
Về dài hạn, báo cáo nhận định các xu hướng cấu trúc trong sản xuất khu vực và mạng lưới thương mại cũng như công nghệ đang thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách trong khu vực xem xét lại các chính sách hợp lý nhằm đảm bảo tăng trưởng và phát triển trong tương lai.
Bên cạnh những thuận lợi, báo cáo cũng lưu ý khu vực ASEAN+3 đang đối mặt với hai rủi ro ngắn hạn, gồm quá trình thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu diễn ra nhanh hơn so với dự báo và sự leo thang căng thẳng trong thương mại toàn cầu. Báo cáo cảnh báo nếu những nguy cơ trên trở thành sự thật sẽ dẫn đến sự thoái vốn, chi phí vay mượn tăng cao trong khi ảnh hưởng tiêu cực đến làn sóng thương mại và đầu tư.
[ASEAN đẩy mạnh thu hút vốn tư nhân lấp khoảng trống đầu tư hạ tầng]
Cũng theo báo cáo, nhu cầu bên ngoài cải thiện đã cho phép khu vực ASEAN+3 xây dựng các "tấm đệm" chống lại những cú sốc tiềm ẩn bên ngoài. Tỷ giá hối đoái trong khu vực ngày càng linh hoạt hơn trong những năm gần đây và đóng vai trò ngày càng lớn như một "thiết bị giảm sốc."
Để tăng cường khả năng phục hồi, báo cáo cũng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách tiếp tục xây dựng không gian chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, để ứng phó kịp thời trước việc các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Các chính sách tài chính cũng phải đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng trong khi chính sách an toàn vĩ mô có thể giúp đảm bảo sự ổn định tài chính.
Ngoài ra, báo cáo trên cũng bao gồm một nghiên cứu chuyên đề về cách thức khu vực ASEAN+3 có thể duy trì khả năng phục hồi và đà tăng trưởng trước những thay đổi cơ bản và toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ và trong thương mại cũng như mạng lưới sản xuất.
Theo báo cáo, công nghệ đã được chứng minh là một "con dao hai lưỡi" khi hoạt động sản xuất đang ngày càng đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu mà không còn cần nhiều lao động như trong quá khứ. Để giải quyết những thách thức này, báo cáo khuyến cáo các nước trong ASEAN+3 cần tăng cường kết nối và hội nhập. Các nền kinh tế cũng cần xây dựng và nâng cao sức "dẻo dai" thông qua phát triển các động lực tăng trưởng khác nhau./.