Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 9,3% so với mức hiện tại trong 15 năm tới nếu Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có một thỏa thuận rõ ràng giữa hai bên.
Một báo cáo công bố ngày 28/11 của Chính phủ Anh cho biết ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận, nền kinh tế nước này vẫn sẽ chịu thiệt hại. Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ nhẹ hơn đáng kể.
Trong kịch bản tươi sáng nhất, nếu Anh vẫn duy trì thương mại không rào cản với EU và không có thay đổi về nguyên tắc đi lại tự do giữa Anh và EU, nền kinh tế Anh sẽ thu hẹp 0,6%.
Trong khi đó, nếu Anh và EU duy trì thương mại không rào cản nhưng chấm dứt cơ chế đi lại tự do của lao động hai bên, GDP của Anh sẽ giảm 2,1%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mục tiêu duy trì thương mại không rào cản là khó có thể xảy ra và London cùng Brussels sẽ đạt được một thỏa thuận ở mức "trung bình," kém hơn phương án không rào cản trong EU song tốt hơn so với một thỏa thuận thương mại tự do thông thường.
Trong trường hợp này, kinh tế Anh sẽ suy giảm 2,1% nếu dòng lao động tự do giữa Anh và EU được bảo đảm. Nếu không, tốc độ suy giảm sẽ ở mức 3,9%. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh những số liệu này mang tính tham khảo nhiều hơn dự báo và nên được "diễn giải cẩn trọng."
Báo cáo dài 83 trang được công bố trong bối cảnh Thủ tướng May đang nỗ lực vận động sự ủng hộ trên toàn quốc đối với thỏa thuận Brexit sơ bộ mà chính phủ của bà đạt được với EU.
[Thủ tướng Anh: Không thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về Brexit]
Ngày 25/11 trước đó, Anh và EU đã chính thức khép lại quãng thời gian đàm phán Brexit kéo dài 17 tháng đầy chông gai. Tuy nhiên, việc thuyết phục Quốc hội Anh thông qua bản thỏa thuận này được đánh giá là không hề dễ dàng khi văn kiện này đang vấp phải không ít ý kiến phản đối của cả các nghị sỹ đảng Bảo thủ cầm quyền lẫn các đảng đối lập.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng để tốt cho nước Anh, Quốc hội nước này có rất ít lựa chọn ngoại trừ việc bác bỏ thỏa thuận Brexit.
Phát biểu ngày 28/11 trước Quốc hội, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố không có khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về Brexit trước khi Anh rời khỏi EU, dự kiến diễn ra vào ngày 29/3/2019.
Việc thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu như vậy sẽ làm trì hoãn sự ra đi của Anh hoặc gia tăng khả năng London rời EU mà không có thỏa thuận nào. Thủ tướng May nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là thực hiện ý nguyện của người dân Anh về Brexit.
Các thỏa thuận được đưa ra trong thỏa thuận sơ bộ bao trùm các nội dung như mức "phí chia tay" trị giá 39 tỷ bảng mà Anh sẽ phải thanh toán, quyền công dân và thỏa thuận "rào chắn" cho vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, giúp duy trì một biên giới mở giữa hai bên cho tới khi đạt thỏa thuận thương mại song phương./.