Trong bối cảnh giá tiêu dùng tại Anh trong mùa Đông năm nay tăng với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine được dự báo sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn nữa và đè nặng lên hàng triệu hộ gia đình.
Một số chuyên gia đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh khi chi phí tăng cao và các ngành công nghiệp khác nhau đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung. Các nhà phân tích cho biết tăng trưởng chậm lại sẽ khiến Ngân hàng trung ương Anh (BoE), rơi vào thế khó khi tăng lãi suất.
Sức ép giá cả
Tom Pugh, chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn kinh doanh RSM UK (Anh), nhận định căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông sẽ tác động trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp và người tiêu dùng do chi phí năng lượng cao hơn.
Đầu tháng này, giá dầu Brent đã vọt lên hơn 139 USD/thùng, mức cao nhất gần 14 năm. Hiện nay, mặt hàng này vẫn ở mức trên 100 USD/thùng. Chuyên gia Pugh dự báo với tình hình giá cả tăng cao, tỷ lệ lạm phát sẽ vọt lên trên 8% vào tháng Tư.
Công ty dịch vụ ô tô RAC của Anh cho biết, giá nhiên liệu đạt mức cao kỷ lục vào cuối tháng Hai và người tiêu dùng phải chi tới 83,14 bảng Anh (108 USD) để đổ đầy một chiếc xe gia đình 55 lít, tăng hơn 3 bảng Anh so với đầu năm và 15 bảng so với một năm trước. Khí đốt tự nhiên cũng tăng lên mức cao kỷ lục do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.
Theo Phòng Thương mại Anh (BCC), các hóa đơn năng lượng tại Anh có khả năng sẽ tăng mạnh trong suốt năm nay do hậu quả trực tiếp từ tình hình tại Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga.
Ngoài ra, biến động giá cả của các mặt hàng khác cũng gia tăng. Theo chuyên gia Pugh, trong vòng 6 đến 12 tháng tới, đà tăng giá của các mặt hàng nông sản và nhiều kim loại cơ bản sẽ khiến giá các hàng hóa khác - từ bánh mì đến máy giặt đều cao hơn.
Ronald Kers, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty thực phẩm 2 Sisters Food Group (Anh), cho biết ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra, lạm phát lương thực đã được dự báo tăng lên từ 4% đến 5% vào giữa năm 2022.
Song, với tình hình hiện nay, một môi trường siêu lạm phát với biên độ từ 10-15% - chưa từng có trong 50 năm – có thể xảy ra nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết nhanh chóng.
Kinh tế giảm tốc
Cuộc khủng hoảng địa chính trị tiếp tục kéo dài sẽ “phủ mây đen” lên triển vọng tăng trưởng của kinh tế Anh. Tổ chức tư vấn của Resolution Foundation (Anh) lưu ý căng thẳng Ukraine-Nga có khả năng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và tăng nguy cơ suy thoái.
[Lạm phát tại Anh tăng lên mức cao kỷ lục trong 30 năm qua]
RSM UK đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2022 từ 4,5% xuống 3,5%, đồng thời lưu ý nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ tăng lên đáng kể nếu tình trạng xung đột kéo dài và giá dầu tăng lên mức 150 USD/thùng.
Các số liệu thống kê chính thức cho thấy kinh tế Anh đã phục hồi trở lại trong tháng Một sau đợt tấn công của biến thể Omicron và hiện đã ở trên mức trước đại dịch. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan của các ngành công nghiệp Anh đang dao động trước căng thẳng Nga-Ukraine.
Brian Berry, Giám đốc điều hành của tổ chức thương mại Federation of Master Builders (Anh), lưu ý vấn đề trên có khả năng làm trầm trọng thêm những thách thức hiện tại xung quanh chi phí và mua sắm vật liệu xây dựng, với dầu, thép, nhôm, gỗ và đồng nằm trong danh sách những vật liệu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các nhà bán lẻ cũng gặp khó khăn. Paul Martin, người đứng đầu bộ phận bán lẻ tại công ty kiểm toán KPMG, lưu ý các nhà bán lẻ đang phải đối mặt với sức ép lạm phát và sẽ phải đưa ra những quyết định đầy thách thức về việc có chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng hay không. Trong khi đó, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn đối với nhiều hộ gia đình ở Anh.
Theo công ty nghiên cứu thị trường YouGov của Anh, niềm tin tiêu dùng giảm 2,4 điểm trong tháng Hai. Kay Neufeld, chuyên gia của công ty nghiên cứu Center for Economics and Business Research, trước vấn đề lạm phát và đà tăng của giá năng lượng, các hộ gia đình đang lo lắng về triển vọng tài chính của họ.
Adam Scorer, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện National Energy Action (Anh), cảnh báo nếu hóa đơn năng lượng tăng trung bình 3.000 bảng Anh (3.908 USD)/năm, sẽ có tới 8,5 triệu hộ gia đình không thể có một ngôi nhà an toàn và ấm áp trong mùa Đông.
Phản ứng của BoE
Lạm phát cao, vượt xa mục tiêu 2% của BoE, đã khiến ngân hàng này tăng lãi suất hai lần vào tháng Mười Hai và tháng Hai - lần tăng liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2004. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biện pháp này không hữu ích.
Ông Pugh nhấn mạnh giá năng lượng được đặt trên cơ sở toàn cầu hoặc ít nhất là lục địa, vì vậy việc tăng lãi suất của BoE sẽ không có tác dụng giảm giá năng lượng và giúp xoa dịu lạm phát.
Bên cạnh đó, theo ông Pugh, giá năng lượng có xu hướng biến động liên tục và nếu BoE đã phản ứng với mọi biến động của thị trường năng lượng toàn cầu, chính sách tiền tệ của ngân hàng này sẽ thay đổi mỗi ngày.
Trong khi đó, nhà kinh tế Suren Thiru tại BCC cho rằng việc tăng lãi suất và thuế vào thời điểm hiện nay sẽ làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của Anh, với việc làm giảm niềm tin cũng như khả năng tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thị trường vẫn dự báo BoE sẽ nâng lãi suất từ 0,5% hiện tại lên 0,75% khi kết thúc cuộc họp ngày 17/3. Samuel Tombs, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, cho rằng BoE sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng Ba và tháng Năm, sau đó sẽ tạm dừng vào nửa cuối năm.
Hồi tháng Hai, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết BoE đang đối mặt với một "sự cân bằng rất khó khăn" để điều hành nền kinh tế giữa ảnh hưởng của việc giảm mức sống và "cuộc chiến" để kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh việc nâng lãi suất, BoE cũng dự kiến sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản tích lũy trong thập niên qua mà được triển khai nhằm nỗ lực kích thích nền kinh tế.
Động thái này sẽ được bắt đầu từ tháng 3/2022 khi trái phiếu chính phủ do ngân hàng trung ương nắm giữ đáo hạn. BoE cho biết 27,9 tỷ bảng (38 tỷ USD) tiền thu được sẽ không được tái đầu tư./.