Kinh tế Anh phục hồi khiến tỷ lệ ủng hộ Công đảng giảm

Tỷ lệ ủng hộ giữa Công đảng với đảng Bảo thủ cầm quyền tiếp tục được thu hẹp do các tin tức tích cực như lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất do báo Guardian và hãng ICM tiến hành, công bố ngày 13/1 cho thấy Công đảng đối lập vẫn giành được sự ủng hộ cao nhất từ phía cử tri, nhưng chênh lệch giữa Công đảng với đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron tiếp tục được thu hẹp.

Theo kết quả thăm dò được tiến hành ngẫu nhiên qua điện thoại với hơn một nghìn người trên 18 tuổi từ ngày 10-12/1 trên khắp nước Anh, tỷ lệ ủng hộ Công đảng do ông Ed Miliband lãnh đạo đã giảm 2% và hiện ở mức 35%, chỉ cao hơn 3% so với tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ và tiếp tục thu hẹp so với mức chênh lệch 5% của tháng 12 và 8% của tháng 11/2013.

Tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ không đổi ở mức 32%, đảng Dân chủ Tự do (LibDem) trong liên minh cầm quyền tăng 2% lên 14%, trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng Ukip tăng 1%lên mức 10%.

Kết quả thăm dò này cho thấy tỷ lệ ủng hộ cả hai đảng cầm quyền và đối lập chính của Anh hiện nay đang trở lại mức của tháng 8/2013, trước khi các chính đảng tiến hành hội nghị thường niên và ông Miliband có bài phát biểu làm nức lòng dân chúng với lời hứa “đóng băng” giá năng lượng nếu Công đảng giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Một số nhà quan sát cho rằng các tin tức tích cực về nền kinh tế Anh kể từ thời điểm đó, với lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm, có thể là nguyên nhân khiến những cảnh báo của Công đảng về một “cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt” bị giảm trọng lượng và kéo tỷ lệ ủng hộ Công đảng tụt xuống.

Mặc dù vậy, tỷ lệ ủng hộ “giậm chân tại chỗ” của đảng Bảo thủ cũng là một “lời cảnh báo” đối với chính đảng này về an sinh xã hội.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy mối quan ngại của cử tri Anh về vấn đề người nhập cư từ các nước nghèo hơn trong Liên minh châu Âu (EU) đến Anh tìm việc làm.

Trong số những người tham gia thăm dò, có 36% ý kiến cho rằng người nhập cư là “tốt cho nước Anh vì họ nhận ít phúc lợi hơn và giúp đất nước thanh toán các khoản chi tiêu của mình”, trong khi có 54% có ý kiến ngược lại bởi “người nhập cư sẽ lấy mất việc làm và khiến lương giảm xuống”.

Cũng liên quan đến kinh tế Anh có dấu hiệu phục hồi, Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 14/1 cho biết tỷ lệ lạm phát của Anh trong tháng 12/2013 đã bất ngờ giảm xuống mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Anh (BoE) đề ra.

Đây là lần đầu tiên trong vòng bốn năm qua lạm phát của Anh về ngưỡng 2%, kể từ mức 1,9% của tháng 11/2009.

Theo lý giải của các nhà kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng tại Anh trong tháng 12 vừa qua giảm nhờ giá lương thực chỉ tăng nhẹ so với một năm trước đó, cùng với việc các cửa hàng giảm giá hàng loạt trước dịp Giáng sinh.

Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Anh cho biết mức lạm phát giảm là “một dấu hiệu nữa chứng tỏ kế hoạch kinh tế dài hạn của chính phủ đang phát huy hiệu quả.”

Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo cuộc sống của nhiều người dân Anh vẫn đang gặp khó khăn và một phần quan trọng trong kế hoạch của chính phủ là giúp những người làm việc chăm chỉ được bảo đảm an ninh tài chính qua việc tăng trợ cấp cá nhân miễn thuế, đồng thời “đóng băng” thuế nhiên liệu và thuế hội đồng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục