Kinh tế Anh bộc lộ dấu hiệu tăng trưởng yếu sau quyết định Brexit

Kinh tế Anh đang bộc lộ nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung cho chiến lược đàm phán Brexit.
Kinh tế Anh bộc lộ dấu hiệu tăng trưởng yếu sau quyết định Brexit ảnh 1Hàng hóa được bày bán tại một khu chợ ở quận Notting Hill, London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kinh tế Anh đang bộc lộ nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung cho chiến lược đàm phán Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Những vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện ngay trong những tháng cuối của năm 2017, thời điểm đà tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu phần nào mang lại động lực tăng trưởng cho kinh tế Anh, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa chế tạo và dịch vụ tài chính và kinh doanh của Xứ sở Sương mù.

Số liệu cập nhật của Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS) vừa công bố cho thấy kinh tế Anh tăng trưởng 0,4% trong quý 4/2017 thay vì 0,5% theo dự báo trước. Với nhịp độ tăng trưởng này, kinh tế Anh hiện đứng ở cuối bảng tăng trưởng của nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7).

Chuyên gia kinh tế John Hawksworth thuộc hãng kiểm toán PwC dự đoán trong năm 2018, kinh tế Anh sẽ tiếp tục tụt lại sau các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ và Đức.

Trong tháng vừa qua, kinh tế thế giới chao đảo bởi những xáo động mạnh trên các thị trường tài chính, do ảnh hưởng bởi các mối quan ngại từ lạm phát gia tăng ở Mỹ đến đà tăng lương mạnh hơn dự báo. Nhà tư vấn kinh tế cao cấp thuộc ngân hàng HSBC, Stephen King, nhận định rằng kinh tế thế giới đi vào quỹ đạo tăng trưởng tốt thì cũng là lúc vẫn phải thận trọng.

Vào thời điểm các quan chức chính phủ Anh đang nỗ lực bàn bạc nhằm định hình mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn hậu Brexit, thì hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực ở Xứ sở Sương mù từ dịch vụ, chế tạo đến xây dựng, dường như đang đánh mất đà tăng trưởng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lần đầu tiên trong gần hai năm qua, lên mức 4,4% trong quý 4/2017, với 1,47 triệu người không có việc làm trong khoảng thời gian nói trên.

[Kinh tế Anh sẽ thiệt hại dù bất cứ kịch bản nào xảy ra thời hậu Brexit]

Kể từ sau khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế Anh phụ thuộc nhiều vào chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng Anh hiện tỏ ra do dự trong chi tiêu, do tài chính gia đình hạn hẹp trong bối cảnh lương thực tế giảm, và giá cả leo thang do đồng bảng rớt giá kể từ sau quyết định Brexit.

Tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 1/2018 vẫn quanh mức cao nhất trong sáu năm trở lại đây là 3% và chưa có dấu hiệu dịu lại. Theo ONS, chi tiêu của các hộ gia đình giảm 0,3% trong quý 4/2017 và giảm 1,8% trong cả năm 2017 - mức chậm nhất kể từ năm 2012. Không chỉ người tiêu dùng, các các công ty cũng miễn cưỡng chi tiêu, khiến cho đầu tư kinh doanh dậm chân tại chỗ trong ba tháng cuối của năm 2017.

Bất chấp những dấu hiệu tăng trưởng yếu, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang tiến gần hơn tới việc tăng lãi suất, có thể ngay trong tháng Năm tới, dựa trên đánh giá rằng cuộc bỏ phiếu Brexit là yếu tố khiến đà tăng trưởng của kinh tế Anh chậm lại. Điều này đặt BoE vào tình thế phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Thống đốc BoE, Mark Carney cũng đã đề cập rằng Brexit khiến người dân “nghèo” hơn. Tuy nhiên, theo phân tích của ông David Blanchflower, giáo sư kinh tế thuộc trường đại học Dartmouth College và là cựu thành viên của Ủy ban Chính sách tài chính thuộc BoE, thị trường việc làm xấu đi là một yếu tố để BoE cân nhắc việc tạm gác lại kế hoạch nâng lãi suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục