Trả lời phỏng vấn tờ The Economic Times số ra mới đây, ông Uday Kotak, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành ngân hàng Kotak Mahinda của Ấn Độ cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là “thế giới một động cơ”, theo đó nền kinh tế Mỹ là “động cơ duy nhất” thực sự chi phối toàn thế giới, trong khi nền kinh tế Nhật Bản và Đức giảm tầm quan trọng đáng kể.
Kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái, trong khi kinh tế châu Âu tiếp tục yếu kém. Còn kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm sút, với dự kiến GDP chỉ tăng khoảng 7%. Bên cạnh đó, giá dầu mỏ giảm mạnh sẽ tác động đến thị trường hàng hóa và sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều nơi trên thế giới, giống như kịch bản đã từng xảy ra trong những năm 90 của thế kỷ 20.
Theo ông Uday Kotak, tất cả thực trạng trên sẽ tác động đến kinh tế Ấn Độ. Về mặt tốt, rõ ràng kinh tế Ấn Độ được lợi trước mắt. Ấn Độ phải bỏ ra khoảng 170 tỷ USD/năm để nhập khẩu dầu mỏ với giá 105 USD/thùng. Do đó, nếu giá dầu giảm 50 USD/thùng xuống còn khoảng 65 USD /thùng thì Ấn Độ sẽ tiết kiệm được khoảng 70 tỷ USD/năm. Nếu tính toán dựa trên cơ sở thâm hụt thương mại khoảng 35 tỷ USD hiện nay, thì việc giá dầu mỏ thế giới giảm sẽ giúp Ấn Độ thặng dư trong cán cân thanh toán vãng lai. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra vì thế giới đang trong tình trạng giảm phát, do đó, nhập khẩu của Ấn Độ vẫn tăng trong khi xuất khẩu sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn. Kinh tế vĩ mô của Ấn Độ sẽ tốt hơn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ không nhanh như mong muốn. Chắc chắn giá cả tất cả các mặt hàng sẽ giảm.
Ông Uday Kotak dự đoán GDP của Ấn Độ nếu may mắn sẽ tăng 6% trong tài khóa 2016 nhưng không phải nhờ nội lực mà do sức ép giảm phát toàn cầu. Do đó, nếu nhập khẩu nhiều hơn thì sẽ ảnh hưởng đến phần đóng góp của lĩnh vực chế tạo trong nước vào GDP. Nếu Ấn Độ không thể tăng xuất khẩu, nhưng giảm được nhập khẩu nhờ sáng kiến “make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) thì sẽ là điều tốt.
Theo ông Uday Kotak, cần làm cho lĩnh vực chế tạo của Ấn Độ có sức cạnh tranh hơn và nếu cạnh tranh được, chính sách “sản xuất tại Ấn Độ” có thể cho ra đời các sản phẩm phục vụ khách hàng trong nước và khách hàng cả những nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng một khi kinh tế Ấn Độ trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh và tiêu dùng tăng thì các nhu cầu khác cũng tăng theo. Ví dụ, tại thành phố Mumbai, nếu nhu cầu mua sắm ô tô tăng thêm 20% thì nhu cầu về đường sá cũng tăng theo. Do đó, cần phải xây dựng thêm đường sá trước khi nhu cầu về ô tô tăng. Xây dựng, mở rộng thêm đường giao thông trước khi nhu cầu mua sắm ôtô tăng chỉ là một kiểu biểu tượng về tăng trưởng GDP và kèm theo đó sẽ có thách thức, đòi hỏi Chính phủ phải tăng cường đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng.
Ông Uday Kotak nhận định thâm hụt ngân sách của Ấn Độ sẽ ở mức 4,3-4,4% GDP trong tài khóa 2015 (kết thúc vào 31/3/2015) so với mục tiêu 4,1% của Chính phủ. Phần lớn thâm hụt tài chính là do Chính phủ bỏ tiền vào các quỹ trợ cấp tiêu dùng, chứ không được sử dụng để tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc kích thích tiêu dùng có thể tăng GDP nhưng không thể duy trì sự phát triển kinh tế bền vững.
Ông Uday Kotak cho rằng hệ thống kinh tế Ấn Độ phức tạp và nhiều “nút thắt”. Để tháo gỡ các “nút thắt” là vấn đề khó mà Chính phủ đang làm. Khi một “nút thắt” đã bị rối thì việc tháo gỡ không dễ dàng, mà phải gỡ từng bước. Nếu đạt được tăng trưởng GDP mạnh, cấu trúc kinh tế đúng hướng, thận trọng tháo gỡ được các “nút thắt”, xây dựng sự điều hành tốt, loại bỏ tham nhũng thì nền kinh tế Ấn Độ sẽ phát triển kỳ diệu trong 10 năm tới./.