Kinh tế Algeria bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Với hệ thống y tế bị coi là "lỗi thời," Algeria đang gặp thách thức lớn trước đại dịch COVID-19, bên cạnh đó, giá dầu giảm và hạn hán kéo dài càng khiến quốc gia này thêm khó khăn.
Phun khử trùng một tuyến phố ở Algiers, Algeria nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 20/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Phun khử trùng một tuyến phố ở Algiers, Algeria nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 20/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cùng với dịch bệnh COVID-19, việc giá dầu giảm mạnh kết hợp với hạn hán kéo dài có thể gây ra những thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Algeria.

Doanh thu từ dầu của Algeria trong năm 2020 dự kiến đạt từ 20-30 tỷ USD, so với mức 36 tỷ USD trong năm 2019 và 42 tỷ USD năm 2018.

Trong khi đó, dự thảo ngân sách năm 2020 của nước này được tính toán dựa trên cơ sở 50 USD/thùng dầu.

Nếu giá dầu thế giới đình trệ lâu dài với khoảng 20 USD/thùng, thâm hụt ngân sách Algeria có thể tăng gấp đôi, dự kiến là 12,8 tỷ USD lên đến 25 tỷ USD.

Sự thâm hụt trong cán cân thương mại cũng khiến dự trữ ngoại hối của Algeria có thể giảm còn 51 tỷ USD vào cuối năm 2020, so với mức 194 tỷ USD vào đầu năm 2014, và thậm chí có nguy cơ bốc hơi hoàn toàn vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune.

Việc vay mượn nợ nước ngoài và in tiền đã bị loại trừ trong thời điểm hiện tại, và Chính phủ Algeria đã có kế hoạch giảm nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, để khuyến khích sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể thực hiện trong bối cảnh hạn hán đang hoành hành, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn gây khó khăn cho việc cấp nước sạch cho người dân thời gian tới.

Hiện còn quá sớm để đánh giá hậu quả đối với nền kinh tế Algeria khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục gây thiệt hại.

Điều này sẽ làm tăng thêm tình trạng tồi tệ mà Thủ tướng nước này gọi là "thảm họa cho tất cả các kế hoạch."

Với hệ thống y tế bị coi là "lỗi thời,"Algeria đang gặp thách thức lớn trước đại dịch COVID-19.

[Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo dịch bệnh COVID-19 đang tăng tốc]

Trong một diễn biến khác, ngày 26/3, Hiệp hội Hàng không châu Phi (AFRAA) cho biết dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng đến gần như toàn bộ các hãng hàng không châu lục này và một số hãng có thể đối mặt với nguy cơ phá sản.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, Tổng thư ký AFRAA Abderrahmane Berthe cho biết hiện 95% máy bay ở châu Phi đang phải dừng hoạt động, 5% đang vận hành là các máy bay chở hàng.

Nhiều nước châu Phi đã buộc phải đóng cửa biên giới và các sân bay để đối phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2, khiến các hãng hàng không phải tạm dừng khai thác các chuyến bay thương mại chở khách.

Ông Berthe cảnh báo nếu không nhận được hỗ trợ, nhiều hãng hàng không châu Phi sẽ không thể trả các khoản nợ đến hạn vào tháng Sáu tới đây.

Hai tuần qua là giai đoạn khó khăn nhất đối với các hãng hàng không châu Phi khi không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả các chi phí thuê máy bay, bến bãi, bảo trì và bảo hiểm.

Theo tính toán, ngành hàng không châu Phi đang cần một khoản cứu trợ trị giá 2,5-3 tỷ USD, dưới dạng viện trợ khẩn cấp hoặc ưu đãi thuế.

Hiện tại, 45 hãng hàng không thành viên của AFRAA đang chiếm 85% thị phần vận chuyển hành khách giữa các nước châu lục, với 93 triệu lượt khách mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục