Kinh tế 2018: Cần tìm giải pháp công phu để tháo gỡ những nút thắt

Theo chuyên gia kinh tế, gỡ các nút thắt với nền kinh tế đòi hỏi phải tìm tòi các giải pháp công phu, đó là những vấn đề về lợi ích nhóm, lợi ích sân sau, thủ tục rườm rà.....
Kinh tế 2018: Cần tìm giải pháp công phu để tháo gỡ những nút thắt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhận định tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi, sản lượng tiềm năng liên tục cải thiện, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung , Viện trưởng  Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM cung cho rằng khu vực đầu tư nước ngoài đang đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP đồng thời chiếm ưu thế trong cân bằng cán cân thương mại.

Phát biểu tại Diễn đàn “Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới, thúc đẩy mô hình tăng trưởng,” do CIEM tổ chức ngày 24/10, ông Nguyễn Đình Cung cũng nhận định tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập quốc gia đang thấp xa so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Hơn thế nữa, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và kéo dài, nợ công tăng nhanh, gần chạm mức trần.”

[''Thoát ly'' chính sách tiền tệ siêu lỏng - Thách thức của Nhật]

Nút thắt “quyền lực bắt tay tư bản”

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2018, Chính phủ cần có những giải pháp tháo gỡ nút thắt ngay từ bây giờ, như đẩy nhanh giải vốn đầu tư Nhà nước từ đầu năm mới, không nên chậm trễ như hai năm vừa qua đồng thời phải có những giải pháp tăng hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.

“Dư địa tại thời điểm này là nâng cao hiệu lực quản lý, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công,” ông nói.

[Thay đổi mô hình tăng trưởng, không dựa vào khai thác tài nguyên]

Đồng tình với quan điểm trên, song  ông Nguyễn Thâm, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, tháo gỡ các nút thắt về cơ học thì có nhiều cách để làm, nhưng đối với nền kinh tế là việc rất khó khăn, phải tìm tòi các giải pháp công phu.

Những nút thắt lớn được ông Thâm chỉ ra, đó là những vấn đề về lợi ích nhóm, lợi ích sân sau, “rừng giấy phép con” rườm rà…

“Trên thực tế, những tác hại của lợi ích nhóm đã tác động quá rõ ràng tới cơ chế thị trường, tới các doanh nghiệp, tới nền kinh tế - xã hội. Khi quyền lực bắt tay cùng tư bản sẽ cho ra kết quả phi thường,” ông Thâm đau lòng mà ví von.

Trong lĩnh vực logistics, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, chi phí chính thức để xuất 1 container 40 feet (hàng hóa) từ Việt Nam đi Los Angeles (Mỹ) là 2.532 USD, song bên cạnh đó doanh nghiệp sẽ phải trả thêm phí không chính thức khác (chi ngoài làm thủ tục hải quan, bồi dưỡng các chặng vận tải trong nước, chi phí tiền trà nước…) lên tới 572 USD.

Kinh tế 2018: Cần tìm giải pháp công phu để tháo gỡ những nút thắt ảnh 2Nâng cao hiệu quả đầu tư công. (Ảnh: minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ông thâm nhấn mạnh,” gánh nặng từ khoản chi phí không chính thức ảnh hưởng lớn đến giá thành hàng hóa và là rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí trong chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia ngay trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế.”

Truy trách nhiệm cá nhân

Theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua có được cải thiện, song chưa nhiều. Cụ thể, xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng từ vị trí 91 lên vị trí 82/190 nền kinh tế, năm 2016. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế Thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế (năm 2017 – 2018).

Đưa ra những sáng kiến, giải pháp cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Cung cho rằng, đã đến lúc phải tạo ra những “áp lực”, như quy trách nhiệm cá nhân đối với các bộ chuyên ngành, nhằm cắt bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu đồng thời thay đổi căn bản cách thức quản lý Nhà nước.

Thêm vào đó, ông Cung đề cũng xuất nhiều giải pháp khác về cải cách thể chế nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong năm kinh tế 2018. Cụ thể, các cơ quan quản lý cần ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng để doanh nghiệp có thể chủ động tuân thủ. Ngoài ra, cơ quan ban hành chính sách nên khẩn trương tháo bỏ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính.

“Các ban ngành chức năng cần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “’mỗi năm doanh nghiệp chịu kiểm tra không quá 1 lần’ và thay đổi thái độ, mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật thay vì chủ yếu để xử phạt như hiện nay,” ông Cung nói.

Cân nhắc chính sách tỷ giá linh hoạt

Một trong những nút thắt được các chuyên gia tham dự Hội thảo đề cập, đó là chính sách tỷ giá linh hoạt nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước chính thức thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá mới, theo đó tỷ giá trung tâm USD/VND sẽ được công bố hàng ngày dựa trên diễn biến của rổ ngoại tệ có quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Mặc dù, cơ chế tỷ giá mới đã phản ánh phần nào cung – cầu của thị trường, nhưng về cơ bản chế độ tỷ giá vẫn xoay quanh “chế độ neo tỷ giá,” (USD gần như được mặc định là đồng tiền neo tỷ giá).

Theo ông Thế Anh, chính sách tỷ giá trên một mặt giúp ổn định thị trường trường ngoại hối, làm giảm đầu cơ và tình trạng đô la hóa, hạn chế rủi ro thanh khoản đối với nợ nước ngoài và đặc biệt là neo được được kỳ vọng lạm phát đồng thời hạn chế được hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Song mặt khác, cơ chế tỷ giá này cũng khiến cho VND lên giá thực mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế và gây ra thâm hụt thương mại.

“Ngoài ra, cơ chế neo tỷ giá nhiều thời điểm còn làm cho nguồn lực của nền kinh tế không được phân bố một cách hiệu quả, gây khó khăn và bất ổn trong các hoạt động kinh tế,” ông Thế Anh quan ngại.

Theo đó, ông này cho rằng, cần tìm kiếm một cơ chế tỷ giá có khả năng dung hòa giữa ưu và nhược điểm của cơ chế tỷ giá như hiện nay. Mặc dù là khó khăn, song ông Thế Anh nhấn mạnh, “ngay lúc này, các nhà hoạch định chính sách cần phải có lời giải sớm cho bài toán trên”./.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục