Kinh nghiệm và giải pháp ứng phó thiên tai từ cơn bão số 5

Bão số 5 là cơn bão lớn, diễn biến phức tạp. Từ việc chỉ đạo, ứng phó với cơn bão vừa qua, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm, bài học trong phòng chống thiên tai.
Kinh nghiệm và giải pháp ứng phó thiên tai từ cơn bão số 5 ảnh 1Ngư dân gia cố tàu thuyền. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Đêm 15/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 5 có tên quốc tế là NOUL.

Cơn bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung, trong đó trọng tâm là các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Bão số 5 là cơn bão lớn, diễn biến phức tạp. Từ việc chỉ đạo, ứng phó với cơn bão vừa qua, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm, bài học trong phòng chống thiên tai.

Chỉ đạo quyết liệt, chủ động ứng phó

Trước thông tin dự báo, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1258/CĐ-TTg ngày 16/9/2020 về việc tập trung ứng phó với bão số 5; Công điện số 11/CĐ-TW ngày 16/9/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về ứng phó với bão số 5 và Công điện số 12/CĐ-TWPCTT ngày 19/9/2020 về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5.

Sáng 17/9/2020, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban làm trưởng đoàn và Đoàn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình.

Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các địa phương duy trì 256.700 cán bộ, chiến sỹ; 2.611 phương tiện các loại; Quân chủng Hải quân duy trì 6 tàu trực tìm kiếm cứu nạn.

[Quảng Nam: Bãi tắm Cửa Đại sạt lở nghiêm trọng do bão số 5]

Bộ Giao thông Vận tải cũng có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan ứng phó với bão số 5, trong đó yêu cầu Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam duy trì lực lượng và phương tiện để sẵn sàng tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu; Cảng vụ Đường thủy nội địa tạm ngừng cấp phép cho tàu rời cảng đến hoặc đi qua khu vực ảnh hưởng của bão.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin tới 7,75 triệu thuê bao thuộc khu vực ảnh hưởng của bão số 5.

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có Công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị tạo thuận lợi cho ngư dân, tàu thuyền của Việt Nam vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp gặp sự cố do bão.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thường xuyên cập nhật diễn biến thiên tai, công tác triển khai thực hiện ứng phó với bão số 5 tại các địa phương.

Các địa phương chủ động triển khai nội dung trong các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Đặc biệt, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó với bão số 5.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã tổ chức họp, phân công cụ thể các thành viên Ban Chỉ huy trực tiếp xuống các địa bàn để triển khai công tác phòng, chống bão.

Dự báo kịp thời, sát thực tế

Từ ngày 13/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành công văn gửi tới Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhận định và cảnh báo sớm về khả năng một vùng áp thấp ở vùng biển phía Đông Philippines đi vào Biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sau đó có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển về đất liền nước ta gây mưa to đến rất to kèm kèm nguy cơ cao về dông, lốc, sét, gió giật mạnh ở các tỉnh Trung Bộ.

Từ sáng 15/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành bản tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, chiều cùng ngày ban hành tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Đêm 15/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia ban hành tin bão số 5 trên Biển Đông. Đến 17 giờ ngày 16/9, Trung tâm ban hành bản tin bão khẩn cấp.

Chiều 16/9/2020, Trung tâm đã ban hành bản tin cảnh báo lũ trên các sông khu vực Bắc Bộ, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên.

Các thông tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, trên đất liền, sóng lớn, nước biển dâng kết hợp với triều cường, mưa lớn đều được cập nhật thường xuyên và bám sát thực tế.

Tổng cộng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành 25 bản tin và 2 bản tin nhanh về bão số 5; có 3 tin cảnh báo lũ, 4 bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ 6 giờ/lần cho các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên.

Trong các bản tin đều cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị cho các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, đầy đủ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm-cứu nạn và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí.

Trung tâm cũng cung cấp các bản tin nhanh về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ và bản đồ phân vùng các khu vực với mức độ nguy cơ cao đến rất cao được chi tiết hóa đến cấp huyện, truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng tổ chức 2 buổi thảo luận trực tuyến với 5 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh liên quan và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Trung tâm Viễn thám quốc gia nhằm đánh giá về tình hình bão, mưa, lũ và an toàn hồ chứa trong khu vực.

Trong suốt thời gian diễn ra bão số 5, các quan trắc viên tại các trạm đã thực hiện tốt kỷ luật quan trắc, công tác đo đạc, thông tin liên lạc hoạt động tốt.

Bài học kinh nghiệm

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 20/9, bão số 5 đã làm 6 người chết; 112 người bị thương; 13 nhà sập đổ hoàn toàn; 22.716 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 36 điểm trường bị ảnh hưởng; 3.888ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 105ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại.

Bên cạnh đó, bão số 5 làm 217 cột điện bị gãy đổ; 7 trạm biến áp bị hư hỏng; 3 trụ thông tin bị gãy; 43 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ, 103 km dây điện hạ thế bị đứt (tại tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Ngoài ra, có 16,5km bờ biển, bờ sông bị sạt lở, trong đó 6,2 km bờ biển ăn sâu từ 5-10m, một số nhà quản lý vận hành hồ chứa, trạm bơm bị tốc mái tại tỉnh Thừa Thiên-Huế; khoảng 25 km đường Quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng với tổng khối lượng đất đá khoảng 11.000m3 (trong đó tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sạt lở 24km); 11km đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (trong đó tỉnh Quảng Nam sạt lở 10,4km).

Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết không chỉ trong cơn bão số 5 mà trong nhiều cơn bão trước đó mặc dù có sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ ngành, địa phương liên quan nhưng trên thực tế vẫn xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Về mặt khách quan, ông Trần Quang Hoài cho biết bão số 5 là cơn bão lớn, diễn biến phức tạp, gây mưa to, dông và gió giật mạnh ở các tỉnh miền Trung gây nhiều thiệt hại về người và tài sản (đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Về chủ quan, nhận thức, sự quan tâm của nhiều cấp chính quyền và người dân đối với giai đoạn phòng ngừa và tái thiết sau thiên tai chưa cao; chủ yếu tập trung cho ứng phó khi có thiên tai xảy ra, dẫn đến tình trạng chủ quan, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong phòng, chống thiên tai.

Kinh nghiệm và giải pháp ứng phó thiên tai từ cơn bão số 5 ảnh 2Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình khẩn trương hỗ trợ bà con vùng biên giới phòng chống bão số 5. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Ngoài ra, năng lực của cơ quan dự báo, cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp còn nhiều bất cập cả về trang thiết bị và con người. Sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhận thức của nhân dân đối với việc phòng, chống, ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế.

Nhiều hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp, tập quán sinh sống nhiều vùng miền chịu nguy cơ rủi ro cao.

"Hệ thống cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ cho việc ra quyết định từ Trung ương đến các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến sự lúng túng, không kịp thời. Phương án ứng phó với thiên tai của một số địa phương còn bị động, nhất là về phương tiện, vật tư và lực lượng tại chỗ," ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Trước những thiệt hại do bão số 5 gây ra, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết trước mắt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả bão số 5 và mưa lũ, tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, sập đổ nhà ở; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà ở; hỗ trợ lương thực đối với các hộ có nguy cơ thiếu đói, không để người dân bị thiếu đói; vệ sinh môi trường, khôi phục hoạt động giao thông, sản xuất, sinh hoạt sau bão.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, kịp thời thông tin, cảnh báo, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng phương tiện tham gia hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và các địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo khôi phục công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; tiếp tục chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi.

Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai khắc phục, khôi phục nhanh hệ thống điện bảo đảm phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy điện.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khắc phục ngay các khu vực sạt lở trên các tuyến giao thông chính, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và người dân.

Về lâu dài, chính quyền các cấp phối hợp với các tổ chức đảng triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai; rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để đảm bảo hiệu quả hoạt động của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời.

Các tỉnh, thành phố cần tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và cộng đồng bằng các hình thức phong phú, hấp dẫn, dễ áp dụng; sử dụng hiệu quả quỹ phòng chống thiên tai tại các địa phương trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngoài ra, chất lượng dự báo, cảnh báo, năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng chống thiên tai, năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành của hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp cần được nâng cao hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục