Kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý an toàn thực phẩm của Canada

Ông Nguyễn Văn Thuận, Ban Điều phối Dự án SAFEGRO, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp tiếp cận trong quản lý an toàn thực phẩm của Canada qua chuyển đi thực tế tại Canada vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thứ 5, bên trái) cùng đoàn công tác của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trong chuyến đi thực tế tại Canada. (Nguồn: Vietnam+)
Ông Nguyễn Văn Thuận (thứ 5, bên trái) cùng đoàn công tác của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trong chuyến đi thực tế tại Canada. (Nguồn: Vietnam+)

Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” (SAFEGRO) do Chính phủ Canada tài trợ không hoàn lại 15,3 triệu đôla Canada.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) là Cơ quan chủ quản của Dự án, triển khai từ năm 2020-2026 với sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan về an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Dưới đây là bài viết của ông Nguyễn Văn Thuận, Ban Điều phối Dự án SAFEGRO, Trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp tiếp cận trong quản lý an toàn thực phẩm của Canada qua chuyến đi thực tế tại Canada vừa qua.

1. Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm

Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của Canada là hệ thống chia sẻ trách nhiệm chung giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp bang, tỉnh bang bao gồm: Chính phủ liên bang; Chính quyền tỉnh/vùng lãnh thổ; Cơ quan Y tế công cộng địa phương/khu vực; Các đối tác Quốc tế; Doanh nghiệp, Người tiêu dùng. Phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan cấp liên bang.

Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Canada: Triển khai các chương trình an toàn thực phẩm ở công đoạn sản xuất ban đầu (nông trại).

Bộ Y tế Canada: Xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn và thực hiện đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Cơ quan thanh tra thực phẩm (CFIA): Xây dựng các thủ tục, quy định và thực hiện công tác thanh tra về an toàn thực phẩm, dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe và phúc lợi động vật, dịch hại, phòng ngừa sâu bệnh.

Cơ quan Y tế công cộng Canada: Đóng vai trò đầu mối của chính phủ liên bang về đánh giá, xử lý tác động đối với sức khỏe con người của dịch bệnh do thực phẩm gây ra, giám sát sức khỏe cộng đồng và chủ trì các cuộc điều tra dịch tễ học khi hoạt động điều tra diễn ra trên phạm vi rộng hơn một tỉnh bang.

Việc phân cấp quản lý và cấp phép giữa liên bang và tỉnh bang theo sản phẩm đăng ký tiêu thụ: Doanh nghiệp có sản phẩm tiêu thụ liên tỉnh do CFIA thanh tra và cấp phép; sản phẩm tiêu thụ trong nội tỉnh do cơ quan cấp tỉnh bang thanh tra và cấp phép.

Canada phân công trách nhiệm cho các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm là theo mảng/phần việc quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm (cơ quan xây dựng chính sách pháp luật, quy định, đánh giá nguy cơ độc lập với cơ quan thực thi thanh tra, kiểm tra và độc lập với cơ quan xử lý các sự cố, điều tra dịch tễ về an toàn thực phẩm).

vnp-an-toan-thuc-pham-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Thuận, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường. (Nguồn: Vietnam+)

2. Xây dựng chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm

Canada có nhiều Đạo luật liên quan về Thực phẩm An toàn. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Canada về an toàn thực phẩm được xây dựng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đủ thực thi an toàn thực phẩm, đồng thời làm rõ và tăng cường trách nhiệm về an toàn thực phẩm, cải thiện an toàn thực phẩm thông qua áp dụng tuân thủ Codex (HACCP, kiểm soát phòng ngừa, truy xuất nguồn gốc) đối với tất cả thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ; tạo sân chơi bình đẳng cho cả thực phẩm nội địa và nhập khẩu và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Bộ Y tế Canada chịu trách nhiệm thiết lập các quy định kỹ thuật như MRLs, ban hành dưới dạng danh mục và là kết quả trong quá trình đánh giá rủi ro bảo vệ sức khỏe con người, MRLs là một công cụ quan trọng cho thương mại quốc tế. Vì thế định kỳ 2 năm/ lần hoặc khi có sự thay đổi sẽ được Canada cập nhật.

3. Thực thi chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm

3.1. Đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm

Nhiệm vụ này do Bộ Y tế Canada chủ trì triển khai. Cơ quan này thiết lập những nhóm tư vấn đánh giá nguy cơ và mời các nhà khoa học tham gia rất đa dạng (cơ quan nghiên cứu, trường đại học ….).

Việc đánh giá nguy cơ nhằm tạo ra hồ sơ nguy cơ để chia sẻ thông tin, đào tạo; tạo cơ sở dữ liệu làm căn cứ cho quản lý, kiểm soát quản lý nguy cơ và dữ liệu thông tin để truyền thông nguy cơ.

Việc đánh giá nguy cơ được tích hợp với cả hoạt động giám sát. Việc đánh giá nguy cơ là tạo ra sứ mệnh cho Cơ quan quản lý nguy cơ - Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA).

Cơ quan quản lý dựa trên cơ sở khoa học thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về bảo vệ thực phẩm, động vật và thực vật, giúp nâng cao sức khỏe và phúc lợi của người dân, môi trường và nền kinh tế Canada.

Cơ quan đánh giá nguy cơ được xác định là đối tác tin cậy, nhà lãnh đạo toàn cầu. Đánh giá các nguy cơ an toàn thực phẩm liên quan đến tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm nội địa do liên bang quản lý một cách khoa học, phân định các nguy cơ đối các cơ sở thực phẩm do liên bang quản lý, xem xét đến tác động của chúng đối với sức khỏe người tiêu dùng ở Canada và minh bạch và được phân bổ và ưu tiên các nguồn lực để triển khai.

3.2. Truyền thông nguy cơ ATTP

Sau khi kết quả đánh giá nguy cơ được các hội đồng thẩm định, công tác truyền thông nguy cơ được phía Canada triển khai công khai, minh bạch.

Việc truyền thông nguy cơ được phổ biến qua các trang thông tin chính thức của cơ quan chức năng và cơ quan báo chí uy tín, khoa học.

3.3. Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm

Nhiệm vụ này do Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA) thực hiện. Hệ thống thanh tra kiểm tra của Canada không chỉ chịu trách nhiệm thanh tra về an toàn thực phẩm mà còn cả về vấn đề dịch bệnh động vật, dịch hại, kiểm dịch thực vật. Kiểm soát an toàn thực phẩm là tích hợp dữ liệu thanh tra, giám sát, xử lý vấn đề an toàn thực phẩm.

3.4. Giám sát an toàn thực phẩm

Canada có hệ thống Giám sát an toàn thực phẩm được tiến hành một cách hệ thống qua việc thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu (thông tin) cần thiết cho việc đánh giá hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm và lập kế hoạch thẩm tra và phổ biến kịp thời thông tin này cho hoạt động y tế công cộng.

Chu trình giám sát của CFIA bao gồm: Thiết kế, Lấy mẫu và Thử nghiệm, Báo cáo. Giám sát thực phẩm góp phần quản lý nhiều nguy cơ. Việc thiết kế kế hoạch mẫu được xem xét, tư vấn, điều chỉnh. Kế hoạch lấy mẫu có mục tiêu và định hướng rõ ràng.

Tóm lại, qua chuyến đi thực tế cho thấy: Hệ thống phân công, phấp cấp quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Canada; việc tổ chức thực thi các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tương đối hoàn chỉnh, có tính khoa học và hiệu quả.

Việc quản lý và kiểm soát của Canada theo các nguyên tắc quản lý rủi ro, xác lập các biện pháp quản lý có cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn; có sự phân công rõ ràng, tương đối cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng, hoạch định chính sách và thực thi pháp luật; đặc biệt có sự độc lập, khách quan trong thực thi của các cơ quan chức năng và có sự tích hợp, chia sẻ và trách nhiệm chung của các cơ quan, tổ chức liên quan dựa trên nền tảng ý thức pháp luật rất cao của các doanh nghiệp, người dân./.

(Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục