Kinh nghiệm tái chế vỏ chai nhựa ở Na Uy có thể áp dụng tại Việt Nam?

Na Uy đang thực hiện rất hiệu quả chương trình đổi vỏ chai lấy tiền. Một số nước đã bắt đầu quan tâm tới mô hình này. Liệu bài học thành công này có thể được áp dụng ở Việt Nam?
Ảnh minh họa. (Nguồn: Claudio Bresciani/TT)

Na Uy đang tái chế 97% lượng vỏ chai nhựa đựng đồ uống, và mỗi vỏ chai có thể được tái chế rất nhiều lần. Câu hỏi đặt ra là việc thu gom vỏ chai được thực hiện như thế nào và làm sao để khuyến khích người dân có thói quen đó.

Na Uy đang thực hiện rất hiệu quả chương trình đổi vỏ chai lấy tiền. Một số nước đã bắt đầu quan tâm tới mô hình này. Liệu bài học thành công này có thể được áp dụng ở Việt Nam?

Năm 2017, một điều tra của tờ Guardian cho thấy cứ mỗi phút lại có 1 triệu chai nhựa được sản xuất trên toàn thế giới. Thông thường, sau khi dùng xong, vỏ chai nhựa đựng đồ uống sẽ bị cho vào sọt rác hoặc thậm chí bị vứt ra ngoài đường. Nhưng ở Na Uy thì không như vậy.

[Photo] Ô nhiễm chất thải nhựa, túi nilon trở thành vấn nạn quốc gia

Chương trình đổi vỏ chai lấy tiền là một đề án của Chính phủ Na Uy do một quỹ môi trường thực hiện. Nó hướng tới cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chính phủ đánh thuế môi trường đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất chai nhựa. Nếu các doanh nghiệp tái chế càng nhiều, số thuế phải nộp càng thấp. Khi tổng số chai nhựa được tái chế chiếm 95% trở lên, họ sẽ không phải đóng thuế môi trường nữa. Thực tế, từ năm 2011 tới nay, các doanh nghiệp sản xuất chai nhựa ở Na Uy đã không phải đóng thuế môi trường nữa.

Đây là chương trình tự nguyện, và để tham gia chương trình này, các doanh nghiệp sản xuất chai nhựa (ở Na Uy tỷ lệ tham gia là 99%) phải sử dụng nhãn mác, nắp chai và keo dán được phê duyệt để phục vụ cho khâu tái chế sau này.

Còn đối với người tiêu dùng, cơ chế cũng rất rõ ràng. Khi mua một đồ uống đựng trong chai nhựa, người tiêu dùng phải trả thêm một khoản tiền từ 10 đến 25 xu phụ thuộc vào kích thước của chai. Sau khi dùng xong, họ có thể trả lại chai đó vào một chiếc máy hoặc ở chính tại nơi họ đã mua trước đó. Sau khi đọc mã vạch, họ sẽ được trả lại tiền mặt hoặc được nhận một coupon.

Mọi cửa hàng bán chai nhựa đều có nghĩa vụ phải thu gom vỏ chai. Các cửa hàng lớn còn lắp đặt hệ thống máy quét mã chai, nghiền nát và đóng gói để vận chuyển tới xưởng tái chế. Những cửa hàng nhỏ hơn thì thu gom vỏ chai trực tiếp. Các cửa hàng được hưởng một khoản phí tính theo đầu vỏ chai thu gom được. Theo đánh giá của các cửa hàng bán lẻ, nhờ có chương trình này lượng khách tới cửa hàng của họ mua hàng đã tăng đáng kể.

Việc thu gom vỏ chai nhựa ở Na Uy đã trở nên phổ biến tới mức, cứ mỗi thứ Hai hàng tuần khách hàng lại xếp hàng dài ở các cửa hàng để trả vỏ chai trước khi mua sắm. Thậm chí, nhiều người còn gom vỏ chai nhựa ở cơ quan mang đến cửa hàng đổi trả, số tiền nhận về sẽ được bỏ vào một quỹ chung dùng để liên hoan cả cơ quan nhân dịp Giáng Sinh hay năm mới.

Lý lẽ mà Na Uy đưa ra cũng đơn giản, nếu các công ty sản xuất và cửa hàng bán lẻ có thể vận chuyển và bán chai nhựa, họ hoàn toàn có thể dễ dàng thu gom và tái chế số chai đó. Giải pháp này đề cao vai trò của nhà sản xuất trong việc trả tiền và tạo ra một hệ thống vận hành hiệu quả. Nó cũng khuyến khích người tiêu dùng thay đổi tư duy: sản phẩm là đi mua còn vỏ chai là đi mượn.

Vỏ chai nhựa sau khi thu gom sẽ được vận chuyển tới các khu tập kết. Ở ngay ngoại ô thủ đô Oslo cũng có một xưởng thu gom vỏ chai rất lớn đang hoạt động. Cơ sở này đã trở thành điểm đến của nhiều du khách quốc tế trong đó có cả những người đến từ những quốc gia xa xôi như Ấn Độ, Trung Quốc, Rwanda, Bỉ hay Anh. Họ muốn tìm hiểu cách làm của Na Uy. Trong xưởng là hệ thống băng chuyền phân loại, nghiền và đóng gói giống hệt như một nhà máy sản xuất socola.

Xưởng hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày và năm ngày mỗi tuần để biến các chai nhựa bỏ đi thành các kiện nhựa nguyên liệu sạch, phân loại theo màu để dùng cho hoạt động tái chế. Chai không màu được tái chế lại thành chai đựng nước còn các chai có màu được tái chế thành các vật dụng khác làm bằng nhựa.

Một vài con số minh chứng cho thành công của chương trình này: 97% số chai nhựa ở Na Uy được tái chế, 92% trong số đó đạt tiêu chuẩn sử dụng lại làm chai đựng nước, có những nguyên liệu được tái chế hơn 50 lần, và số lượng chai nhựa thải ra môi trường dưới mức 1%.

Mặc dù có những thành công nhất định, song không phải không có khó khăn. Nguyên liệu tái chế chỉ đáp ứng được 10% lượng nhựa được sử dụng để sản xuất chai nhựa trong nước. Hệ thống hiện nay chỉ có thể sản xuất đủ lượng nguyên liệu cao cấp để đáp ứng 80% nhu cầu –trong số đó phần lớn được xuất khẩu. Các tổ chức môi trường trong nước cũng đang hối thúc chính phủ áp dụng thêm một loại thuế mới là “thuế nguyên liệu.” Nguyên lý áp dụng loại thế này cũng tương tự với thuế môi trường, nhà sản xuất sử dụng càng nhiều nguyên liệu nhựa tái chế, số thuế họ đóng càng ít.

Ô nhiễm nhựa đã trở thành một vấn nạn trên thế giới, và mức độ nghiêm trọng của nó đã được ghi nhận trong nhiều tài liệu có căn cứ. Kể cả những đại dương và vùng biển xa xôi nhất cũng bị ô nhiễm, và hậu quả của nó đối với động vật hoang dã và sức khoẻ con người vẫn còn là ẩn số.

Chai nhựa là nguồn ô nhiễm chính. Mỗi năm trên 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương, tương đương với một xe tải rác đổ vào đại dương mỗi phút. Cách làm này của Na Uy vừa hiệu quả vừa thân thiện với môi trường. Nhiều quốc gia hiện đang tìm hiểu áp dụng mô hình này trong đó có Trung Quốc, Anh và Australia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục