Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai: Rà soát để ứng phó theo đặc thù địa phương

Tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra lên tới trên 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp chiếm tới 45%. Tuy nhiên, sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản… đã được khôi phục.
Khu tái định cư Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) với 35 ngôi nhà do Quân khu 2 hỗ trợ xây dựng. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Sau hơn 3 tháng kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào đất liền, những dấu hiệu hồi sinh đã xuất hiện trên khắp các địa phương khu vực miền Bắc. Cơn bão chính là phép thử lớn để kiểm chứng năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai để từ đó mỗi địa phương đều rút ra kinh nghiệm ứng phó tốt hơn trong tương lai.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 23/12.

Khôi phục chăn nuôi, thủy sản đủ nguồn cung Tết

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.

“Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp là khoảng 38.086 tỷ đồng chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế,” ông Tiến cho hay.

Ngay sau bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị đã nhanh chóng vào cuộc. Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn lực ngân sách, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… khắp cả nước đã cùng nhau hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại.

“Nhờ đó, sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản… từng bước được khôi phục, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, mảng cây ăn quả, cây cảnh, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… cần tiếp tục được hỗ trợ các nguồn lực để khôi phục,” ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng lưu ý trong thời gian tới các địa phương cần chủ động rà soát lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn lựa những loài phù hợp với đặc thù địa phương để tạo thuận lợi phát triển bền vững. Bên cạnh đó, người dân ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao sạt lở đất cần được khẩn trương di dời đến nơi ở an toàn, xây dựng chính sách phát triển sinh kế bền vững; rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ sở hạ tầng… đảm bảo luôn chủ động, an toàn trước thiên tai.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai”. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Địa phương cần rà soát lại năng lực phòng chống thiên tai

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết Yên Bái là địa phương có hoàn lưu sau bão nghiêm trọng, dẫn đến mưa lớn và sạt lở đất, khiến 27.000 ngôi nhà thiệt hại, 3.000 vị trí có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 5.000 hộ dân. Sau bão, tỉnh sắp xếp ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, ưu tiên với hình thức xen ghép và tại chỗ.

Tại địa điểm sạt lở, với những khu vực tương đối an toàn, tỉnh Yên Bái đã khuyến cáo người dân gia cố mái. Còn đối với những hộ không thể sắp xếp tại chỗ, tỉnh Yên Bái đã đề xuất xây dựng 12 khi tái định cư, để bố trí cho gần 800 hộ dân, với mức kinh phí trên 300 tỷ đồng, dự kiến triển khai ngay trong năm 2025.

“Việc tái thiết nhà cửa, sản xuất cho người dân cần nguồn lực vô cùng lớn, trong đó các chính sách hỗ trợ quy định, Nhà nước và xã hội hóa chỉ đóng một phần, ngoài ra cần đến sự tự lực, tự cường của chính người dân,” ông Sang nhấn mạnh.

Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai nhấn mạnh phương châm chỉ đạo phòng, chống thiên tai là “Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính.” Trên cơ sở đó, các địa phương cần tăng cường năng lực trung hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào công tác dự phòng để chủ động ứng phó với thiên tai; bên cạnh đó học hỏi kinh nghiệm quốc tế giúp nâng cao hiệu quả trong công tác dự phòng, từ đó dành nguồn lực hợp lý để triển khai cho những năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai, công tác dự phòng cần được triển khai qua theo các nhóm giải pháp: Rà soát và đánh giá các vùng có nguy cơ thiên tai, xác định các biện pháp ứng phó cụ thể cho từng khu vực; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để đảm bảo thông tin kịp thời cho cộng đồng; tăng cường năng lực ứng phó ở cấp cơ sở, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xử lý tình huống và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu với thiên tai.

“Các địa phương cần rà soát lại năng lực phòng chống bão và thiên tai, xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện năng lực hệ thống chính trị. Bên cạnh hỗ trợ từng hộ gia đình cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai trong tương lai,” ông Phát đề xuất./.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão Yagi và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thủy lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 548km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở trên 15 triệu m3.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục