Kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi từ TP. Hồ Chí Minh

Ngay từ đầu tháng 1/2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn châu Phi từ TP. Hồ Chí Minh ảnh 1Nhân viên cơ sở giết mổ gia súc phun hóa chất tiêu độc khử trùng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Mặc dù khu vực miền Nam chưa phát hiện bệnh, nhưng nguy cơ xâm nhiễm rất cao, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm tiêu thụ thịt lợn lớn nhất miền Nam.

Chính vì vậy, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống, ứng phó nhằm duy trì nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng, và bảo vệ ngành chăn nuôi của thành phố.

Chủ động phòng chống

Thành phố  Hồ Chí Minh là đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn ở khu vực phía Nam, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân thành phố mà còn là nơi tập kết nguồn thịt phục vụ chế biến để cung cấp cho các địa phương khác. Trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng từ 10.000-11.000 con lợn, tương đương 750-800 tấn thịt lợn.

Về chăn nuôi, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 3.900 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 274.000 con, tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12; trong đó có 247 hộ sử dụng thức ăn dư thừa để nuôi lợn.

Số lợn nuôi trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ, phần còn lại được nhập từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung nhiều khách du lịch trong và ngoài nước; trong đó có nhiều địa phương, quốc gia đang xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh từ các địa phương khác vào thành phố là rất cao.

Trước tình hình đó, ngay từ đầu tháng 1/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thực hiện kế hoạch ứng phó với dịch tả lợn châu Phi của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai phòng chống tới tất cả các quận, huyện trên địa bàn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Lực lượng quản lý thị trường và Công an thành phố kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các cửa ngõ giao thông vào thành phố cũng như các trục giao thông từ thành phố đi các tỉnh.

Các lực lượng tăng cường giám sát, yêu cầu tất cả cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, đơn vị kinh doanh thịt lợn chỉ tiếp nhận, phân phối lợn và thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; đồng thời liên lạc với các tỉnh, thành phố để phối hợp trong quản lý nguồn cung thịt lợn. Đặc biệt, các quận, huyện kiểm soát chặt chẽ, xóa bỏ các cơ sở giết mổ trái phép vì nguy cơ tuồn lợn bệnh vào các điểm này rất lớn.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn từng hộ chăn nuôi các kiến thức về phòng, chống dịch bệnh như tiêu độc khử trùng chuồng trại, kiểm soát người và phương tiện ra vào, không đưa thức ăn có nguồn gốc từ thịt lợn vào trang trại. Ngành cũng yêu cầu các hộ chăn nuôi phải khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện có lợn bệnh, lợn chết bất thường.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bệnh dịch tả lợn châu Phi được Tổ chức Thú y Thế giới đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn với tỷ lệ lợn chết lên tới 100%.

Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng nổ tại Trung Quốc, có nguy cơ xâm nhập vào các tỉnh phía Bắc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố  Hồ Chí Minh đã chủ động giám sát các hộ chăn nuôi cũng như hoạt động vận chuyển lợn, gia súc và các sản phẩm sau giết mổ để phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

[Việt Nam có cơ sở để sản xuất vắcxin dịch tả lợn châu Phi]

“Ngay từ khi có dịch ở phía Bắc đã xuất hiện tình trạng vận chuyển lợn từ miền Bắc vào miền Nam tiêu thụ càng làm nguy cơ xâm nhiễm tăng cao. Do đó, chúng tôi đã thắt chặt kiểm soát bằng cách lập chốt chặn ngay từ các cửa ngõ, lấy mẫu xét nghiệm để loại trừ lợn bệnh tuồn vào thành phố tiêu thụ,” ông Huỳnh Tấn Phát chia sẻ.

Quy kết trách nhiệm người đứng đầu

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật và Tổ công tác thường trực, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.

“Địa phương nào có chăn nuôi lợn nhưng thực hiện không nghiêm túc, không quyết liệt các biện pháp phòng chống, để xảy ra dịch bệnh thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố,” ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh.

Tại huyện Củ Chi, nơi tập trung đàn lợn lớn nhất của Thành phố  Hồ Chí Minh, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch thường trực huyện Củ Chi, cho biết hiện địa phương này có 2.300 hộ nuôi lợn, chiếm gần 50% tổng đàn lợn của toàn Thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, huyện đã chủ động cấp thuốc khử trùng cho người dân xử lý tại chỗ, đồng thời, giao lại cho các trạm thú y tiến hành khử trùng các tỉnh lộ chính nối vào Thành phố Hồ Chí Minh, nếu phát hiện có xe chở lợn dịch đi qua địa bàn. Song song đó, huyện cũng tiến hành cô lập các trại lợn, đặc biệt trại lợn giống để đảm bảo không bị virus dịch tả xâm nhiễm.

Cùng với ngành nông nghiệp, ngành công thương cũng có những biện pháp kiểm soát nguồn thịt lợn lưu thông trên thị trường. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố, cho biết Sở đã giao trách nhiệm cho ban quản lý các chợ, thường xuyên trực, kiểm soát nguồn hàng vào 239 chợ truyền thống và 250 chợ tạm nhằm ngăn chặn nguồn thịt thiếu an toàn thực phẩm.

Sở Công Thương cũng làm việc với các đơn vị cung ứng thịt lợn và sản phẩm thịt thay thế để có phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra dịch trên địa bàn, không để thiếu hụt nguồn cung thực phẩm cho người dân thành phố.

Còn tại các chợ đầu mối, công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thịt lợn cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, nơi cung cấp 80% tổng lượng thịt lợn tiêu thụ của Thành phố  Hồ Chí Minh, ngay từ khi có thông tin dịch tả lợn bùng phát, Ban quản lý chợ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch xâm nhập: liên tục lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra chặt các hóa đơn, chứng từ và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của từng lô thịt lợn về chợ.

Ngoài ra, Ban quản lý chợ cũng tăng cường kiểm soát các lô hàng nhập vào chợ ở các khung giờ ngoài quy định, không cho nhập sản phẩm thịt lợn đông lạnh từ nơi khác vào chợ nhằm đảm bảo tất cả thịt lợn kinh doanh tại chợ là thịt tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng và đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh phải nhập lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy kiểm dịch thú y, hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường tại chợ cũng như vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến sau khi kinh doanh.

Là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn thực phẩm của thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố  Hồ Chí Minh thường xuyên cử các đội quản lý túc trực tại các cửa ngõ, lò mổ, chợ đầu mối để kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc... nhằm ngăn chặn nguồn thịt lợn có nguy cơ mang mầm bệnh từ các tỉnh đổ về.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố  Hồ Chí Minh cho biết, quy trình kiểm soát thịt lợn được thực hiện chặt chẽ thông qua giấy kiểm dịch của cơ quan thú y, thông tin trên vòng truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Ban An toàn thực phẩm cũng thường xuyên lấy mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất để giám sát tất cả các dịch bệnh trên gia súc; trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi. “Ngoài việc kiểm tra tại các đầu mối, cơ sở giết mổ, chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan thú y kiểm soát, xử lý các lò giết mổ lậu, không có giấy phép và không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của lợn vì đây chính là kẽ hở lớn nhất, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh,” bà Lan cho hay.

Với sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Nhân dân thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp cũng như các đơn vị liên quan, tới thời điểm này Thành phố  Hồ Chí Minh đang kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn châu Phi, duy trì được nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng và cơ bản bảo vệ ngành chăn nuôi của thành phố trong vòng an toàn của dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục