Kinh nghiệm của Ấn Độ từ dấu mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19

Kinh nghiệm của Ấn Độ từ dấu mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine COVID-19

Ấn Độ đã trải qua hành trình đi từ lo lắng tới cảm thấy được trấn an, và Ấn Độ đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất trên thế giới.
Kinh nghiệm của Ấn Độ từ dấu mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine COVID-19 ảnh 1Vaccine Covaxin phòng COVID-19 do công ty dược Bharat Biotech phát triển, tại bệnh viện ở Kolkata, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ The Indian Express ngày đã đăng bài viết đặc biệt của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhân dịp Ấn Độ đạt mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19.

Nội dung bài viết như sau:

Ấn Độ đã đạt mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 21/10/2021, chỉ khoảng 9 tháng kể từ khi phát động chiến dịch tiêm chủng. Đây là một hành trình có ý nghĩa to lớn trong công cuộc đối phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi chúng ta nhớ lại những gì đã diễn ra vào đầu năm 2020.

Sau 100 năm, nhân loại lại phải đối mặt với một đại dịch nghiêm trọng như vậy, và không ai biết nhiều về loại virus đó. Khi đó tình hình không thể đoán trước, chúng ta phải đối mặt với một kẻ thù vô hình và biến đổi nhanh chóng.

Ấn Độ đã trải qua hành trình đi từ lo lắng tới cảm thấy được trấn an, và Ấn Độ đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào chương trình tiêm chủng lớn nhất trên thế giới.

Đó là một nỗ lực thực sự vĩ đại của rất nhiều thành phần trong xã hội. Để hiểu về quy mô của nỗ lực đó, hãy giả sử rằng mỗi nhân viên y tế chỉ cần 2 phút để hoàn thành một mũi tiêm. Với tốc độ này, phải mất khoảng 4.100.000 ngày công, hay khoảng 11.000 năm công sức, để đạt được mốc này.

Đối với bất kỳ nỗ lực nào để đạt được và duy trì tốc độ cũng như quy mô đó, sự tin tưởng của tất cả các bên liên quan là rất quan trọng. Một trong những lý do cho sự thành công của chiến dịch tiêm chủng là sự tin tưởng của người dân vào vaccine và quá trình tiến hành tiêm chủng, cho dù đã có rất nhiều nỗ lực nhằm gieo rắc sự ngờ vực và hoảng sợ.

Có một số người trong chúng ta chỉ tin tưởng các thương hiệu nước ngoài, ngay cả đối với những nhu cầu đơn giản hàng ngày. Tuy nhiên, khi nói đến một thứ quan trọng như vaccine COVID-19, người dân Ấn Độ đã đồng lòng tin tưởng vào vaccine “Sản xuất tại Ấn Độ." Đây là một sự thay đổi thế giới quan rất lớn.

Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 là một ví dụ về những gì Ấn Độ có thể đạt được nếu người dân và chính phủ cùng hướng tới một mục tiêu chung theo tinh thần của Jan Bhagidari. Khi Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm chủng, có nhiều người nghi ngờ khả năng Ấn Độ có thể hoàn thành việc tiêm chủng cho 1,3 tỷ dân. Một số người cho rằng Ấn Độ sẽ mất từ 3 đến 4 năm. Một số người khác nghĩ rằng mọi người sẽ không đi tiêm chủng. Có những người nghi ngờ quá trình tiêm chủng sẽ diễn ra dưới sự quản lý yếu kém và xảy ra hỗn loạn.

Một số người thậm chí còn nói rằng Ấn Độ sẽ không thể quản lý được các chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cũng giống như Lệnh giới nghiêm Janata và các biện pháp giãn cách xã hội sau đó, người dân Ấn Độ đã cho thấy kết quả đạt được có thể ngoạn mục như thế nào nếu họ trở thành đối tác đáng tin cậy.

Khi tất cả mọi người đều làm chủ thì không gì là không thể. Các nhân viên y tế đã vượt núi, băng sông, vượt qua những vùng địa lý khó khăn để tiêm phòng cho mọi người. Thanh niên, nhân viên xã hội, nhân viên y tế, các nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo, tất cả đều xứng đáng được ghi nhận vì thực tế là tại Ấn Độ, sự lưỡng lự của người dân đối với vaccine là rất ít nếu so sánh với các quốc gia phát triển.

Có rất nhiều áp lực từ các nhóm lợi ích khác nhau để họ được ưu tiên trong chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, chính phủ đảm bảo rằng, giống như các chương trình khác của chính phủ, không có "văn hóa VIP" trong việc tiêm chủng.

Vào đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, chúng ta thấy rõ rằng cần có sự giúp đỡ của vaccine để chiến đấu chống lại đại dịch này. Chúng ta đã bắt đầu chuẩn bị từ sớm. Chúng ta đã thành lập các nhóm chuyên gia và bắt đầu chuẩn bị lộ trình ngay từ tháng 4/2020.

Cho đến ngày nay, chỉ có một số quốc gia đã phát triển vaccine của riêng họ. Hơn 180 quốc gia phụ thuộc vào số lượng cực kỳ hạn chế các nhà sản xuất vaccine và hàng chục quốc gia vẫn đang chờ nguồn cung vaccine, ngay cả khi Ấn Độ đã vượt qua mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine.

[Ấn Độ rút ngắn thời gian giữa hai mũi vaccine của AstraZeneca]

Hãy tưởng tượng tình huống nếu Ấn Độ không có vaccine của riêng mình. Làm thế nào mà Ấn Độ có đủ vaccine cho một lượng lớn dân số như vậy và sẽ phải mất bao nhiêu năm? Ở đây, sự khen ngợi nên được dành cho các nhà khoa học và doanh nhân Ấn Độ vì họ đã vươn lên thể hiện vai trò của mình trong bối cảnh hiện nay. Chính nhờ tài năng và sự chăm chỉ của họ mà Ấn Độ thực sự được coi là một quốc gia thành công khi nói đến vaccine. Các nhà sản xuất vaccine của chúng ta, bằng cách mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn dân số như vậy, đã cho thấy rằng không ai sánh kịp họ.

Ở một quốc gia mà các chính phủ từng được biết đến là gây cản trở cho sự phát triển, chính phủ của chúng tôi thay vào đó đã trở thành động lực thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự tiến bộ. Chính phủ Ấn Độ đã hợp tác với các nhà sản xuất vaccine ngay từ những ngày đầu tiên và hỗ trợ họ về mặt thể chế, nghiên cứu khoa học, tài chính cũng như đẩy nhanh các quy trình pháp lý.

Với phương pháp tiếp cận "toàn chính phủ cùng vào cuộc", tất cả các bộ đã cùng nhau hợp tác để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất vaccine và tháo gỡ mọi nút thắt.

Ở một đất nước có quy mô như Ấn Độ, chỉ sản xuất thôi là chưa đủ. Trọng tâm phải là đưa hàng hóa đến đích cuối cùng và hỗ trợ hậu cần liền mạch. Để hiểu những thách thức liên quan, hãy tưởng tượng về hành trình của một lọ vaccine.

Từ một nhà máy ở Pune hoặc Hyderabad, lọ vaccine này được gửi đến một trung tâm của bất kỳ bang nào, từ đó nó được vận chuyển đến trung tâm quận, rồi đưa tới các trung tâm tiêm chủng. Có tới hàng nghìn chuyến hàng được vận chuyển bằng máy bay và tàu hỏa. Trong toàn bộ hành trình này, nhiệt độ phải được duy trì trong một phạm vi nhất định. Vì vậy, hơn 100.000 thiết bị dây chuyền lạnh đã được sử dụng. Các bang đã được thông báo trước về lịch trình cung cấp vaccine để có thể lập kế hoạch tốt hơn và vaccine sẽ đến tay họ vào những ngày đã được ấn định trước. Đây là một nỗ lực chưa từng có trong lịch sử của đất nước Ấn Độ độc lập.

Tất cả những nỗ lực này đã được hỗ trợ bởi một nền tảng công nghệ mạnh mẽ trong hệ thống phần mềm quản lý tiêm chủng phiên bản Ấn Độ (CoWIN). Hệ thống CoWind đảm bảo rằng việc tiêm vaccine diễn ra công bằng, có thể được mở rộng, theo dõi và hoàn toàn minh bạch. Điều này đảm bảo rằng sẽ không có sự thiên vị hoặc gian dối. Hệ thống CoWin cũng đảm bảo một công nhân nghèo có thể tiêm liều đầu tiên ở làng của mình và liều thứ hai của cùng một loại vaccine ở thành phố nơi anh ta làm việc, sau khoảng thời gian theo quy định. Ngoài bảng thông báo được cập nhật theo thời gian thực để tăng cường tính minh bạch, các giấy chứng nhận được mã hóa QR giúp đảm bảo khả năng có thể xác minh thông tin.

Kinh nghiệm của Ấn Độ từ dấu mốc tiêm 1 tỷ liều vaccine COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Chennai, Ấn Độ, ngày 21/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh Ấn Độ năm 2015, tôi đã nói rằng đất nước chúng ta đang tiến lên nhờ có "Đội Ấn Độ" và “Đội Ấn Độ” này là một đội lớn gồm 1,3 tỷ người dân Ấn Độ. Sự tham gia của người dân là sức mạnh lớn nhất của nền dân chủ. Nếu chúng ta điều hành đất nước thông qua sự tham gia của 1,3 tỷ người Ấn Độ, đất nước của chúng ta sẽ tiến hơn 1,3 tỷ bước mỗi giây phút. Các chiến dịch tiêm chủng của chúng ta đã một lần nữa cho thấy sức mạnh của “Đội Ấn Độ” này.

Tôi lạc quan rằng thành công đạt được trong đợt tiêm chủng lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục khuyến khích giới trẻ, lực lượng thúc đẩy đổi mới và tất cả các cấp chính quyền của chúng ta đặt ra các tiêu chuẩn mới về cung cấp dịch vụ công, đây sẽ là một mô hình không chỉ cho Ấn Độ mà còn cho cả thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục