Kinh nghiệm bảo vệ đàn cò ở Di tích quốc gia đảo Cò

Từ khi cò được bảo vệ và chăm sóc, số lượng cò trên đảo ngày càng đông hơn. Có ngày, số lượng cò vạc đã lên đến 18.000-19.000 con thường xuyên trú ngụ trên các đảo.
Đàn cò tại Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương). (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Ban Quản lý khu du lịch sinh thái đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất để chuẩn bị cho đàn cò, vạc về trú đông.

Hiện số lượng cò, vạc về trên hai đảo 3A và 3B gần như đã quá tải nên đơn vị ưu tiên hoàn thiện xây dựng đảo mới 4B rộng khoảng 5.700m2, đồng thời trồng thêm tre và cây xanh trên các đảo.

Ban quản lý cũng bố trí lực lượng an ninh túc trực 24/24 giờ, tổ chức diệt chuột để bảo vệ đàn cò và tre đang vào mùa cho măng...

Trước đó, đơn vị đã tu sửa đường đi, kè vành đai xung quanh các đảo; lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh…

Đến hết tháng 10 vừa qua, lượng khách đến Đảo Cò ước đạt khoảng 45.000 lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Đảo Cò được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh lam thắng cảnh di tích cấp quốc gia năm 2014.

[Đồng Tháp: Bảo tồn đàn cò nhạn quý hiếm tại rừng tràm Gáo Giồng]

Những năm trước đây, tình trạng đặt bẫy, săn bắn và lấy trứng cò của người dân khiến số lượng cò ở trên đảo suy giảm nhanh chóng, nhiều con cò do sợ không dám về đây trú ngụ.

Ông Nguyễn Đăng Giảm, Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích đảo Cò huyện Thanh Miện chia sẻ Ban Quản lý Khu di tích đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Chi Lăng Nam thành lập đội tự quản với 56 thành viên.

Đội được chia làm 3 tổ tự quản gồm Tổ tự quản dịch vụ trên bờ, tổ lái đò vận chuyển và tổ bảo vệ xung quanh khu vực đảo cò với bán kính 3km.

trước thực trạng trên, huyện Thanh Miện đã xây dựng phương án, lập kế hoạch và phối hợp với Ban quản lý Khu di tích đảo Cò và nhân dân cùng chung tay bảo vệ đàn cò.

Từ khi cò được bảo vệ và chăm sóc, số lượng cò trên đảo ngày càng đông hơn. Có ngày, số lượng cò vạc đã lên đến 18.000-19.000 con thường xuyên trú ngụ trên các đảo.

Thành viên trong tổ đều là người dân sống xung quanh đảo, có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động phá hoại như săn bắt, đánh bẫy cò vạc, lấy trứng cò ở trên đảo cũng như các khu vực xung quanh.

Đàn cò bay về trú ngụ tại Đảo Cò. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Hàng năm, Ban Quản lý không chỉ phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân bảo vệ đàn cò mà còn phối hợp với các nhà khoa học trong, ngoài nước cùng nghiên cứu đặc tính của từng loại cò, vạc để có những điều chỉnh phù hợp tạo môi trường sống thích hợp cho con cò.

Ông Giảm cho rằng, những người phát hiện những đối tượng vi phạm trong săn bắt cò sẽ được Ban Quản lý thưởng gấp 5 đến 10 lần giá trị của mức phạt đối với người vi phạm.

Đặc biệt, nguồn tin báo được giữ bí mật. Vì vậy, người dân ở đây rất ủng hộ cùng chung tay bảo vệ đàn cò.

Mỗi người dân trong khu vực bán kính 3km xung quanh đảo Cò đều có thông tin riêng để kịp thời báo cho Ban Quản lý, công an xã và chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn tình trạng xâm hại đến cò.

Đặc tính của cò là kiếm ăn ban ngày, vạc kiếm ăn ban đêm. Do vậy, những công trình xây dựng trên đảo luôn đảm bảo môi trường trong sạch, yên tĩnh và không gian sống cho cò.

Từ những nghiên cứu về đặc tính của cò, vạc, các hạng mục công trình xây dựng trên đảo được điều chỉnh phù hợp với đặc tính sinh sống của từng loài.

Hiện nay, đảo cò đã được tôn tạo, nâng cấp và trồng thêm nhiều cây xanh. Đảo cò gồm hai đảo nhỏ có tổng diện tích trên 7.000m2 nằm trong lòng hồ An Dương thuộc xã Chi Lăng Nam.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy có 52 loài chim thuộc 12 bộ, 30 họ, 42 giống tại đảo và khu vực xung quanh.

Ông Nguyễn Đức Võ, Đội trưởng Đội tự quản đảo Cò cho biết, để tạo môi trường sống và bảo vệ tốt nhất để đàn cò sinh trưởng và phát triển, hàng tháng, đội còn tổ chức các đợt tuần tra, đặt bẫy để săn bắt, xua đuổi các loại ăn thịt cò, vạc non như rắn, diều hâu, cứu cò vạc bị dính bẫy chuột.

Hàng ngày tại khu di tích, những đoàn khách đến thăm quan đều được cán bộ, nhân viên chở đò.

Vào những tháng cao điểm trong mùa sinh sản của cò, đội thường cử nhân viên thường xuyên có mặt tại các đảo để sửa chữa lại tổ cò và nhặt những con cò non bị rơi xuống đất đưa trả về tổ.

Số lượng cò về đảo ngày một nhiều đã thu hút hàng nghìn du khách ở các nơi đến thăm quan, chiêm ngưỡng.

Nhân viên kinh doanh cũng chính là những thành viên của đội tự quản tuyên truyền hướng dẫn các quy định khi thăm đảo cò, để du khách có được những bức hình đẹp nhất, ngắm cò vạc gần nhất nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách để an toàn cho những chú cò một không gian sống yên bình, thoải mái.

Sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các thành viên trong đội tự quản giúp không còn tình trạng săn bắt, đặt bẫy và xâm hại đến đàn cò.

Tuy nhiên, để đảo Cò là nơi trú ngụ và thực sự trở thành môi trường sống lý tưởng của cò, vạc và nhiều loài chim, nơi sinh hoạt văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng ở Hải Dương vẫn cần sự chung tay của người dân, du khách và sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục