Kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp bán lẻ "than khó"

Đại diện Vụ thị trường trong nước khẳng định sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến qua đó đề xuất và tham mưu cho cấp có thẩm quyền để gỡ vướng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, bám sát với thực tiễn.
Hội nghị: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chiết khẩu giảm, thu không đủ bù chi… nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trải lòng đã phải xoay sở mọi cách để duy trì hoạt động trong một thời gian dài.

Đây cũng là nội dung làm nóng Hội nghị: "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu,” do Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tổ chức sáng 21/9, tại Hà Nội.

Chiết khấu thấp, càng bán càng lỗ

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục biến động, có thời điểm đã vượt 30.000 đồng mỗi lít. Hiện nay, sau nhiều lần điều chỉnh, mặt hàng xăng dầu đã xuống sát mức giá cuối năm 2021.

Đáng chú ý, trước những thay đổi của thị trường, tình trạng hết hàng, dừng hay giãn thời gian bán hàng đã xảy ra cục bộ tại một số địa phương khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn.

[Xây dựng thị trường xăng dầu thực thụ, đi theo cung cầu]

Lý giải việc này, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, nhất là các đại lý bán lẻ xăng dầu, việc kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn và cần đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ những bất cập này.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần dầu khí Sơn Hải, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0 và 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. Với chiết khấu như vậy, thương nhân càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ.

“Trong khi doanh nghiệp càng bàn càng lỗ nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa,” ông Hạnh cho hay.

Tính toán chi phí tối thiểu cho một lít xăng dầu từ cảng đầu nguồn cho đến khâu bán lẻ, Công ty của ông Hạnh phải chi phí vận chuyển nội địa khoảng 375 đồng/lít thực tế, chi phí tiền lương bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại cửa hàng tối thiểu là 300-350 đồng/lít.

Cùng với đó là chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất khoảng trên 100 đồng/lít xăng và 46 đồng/lít dầu… cùng với rất nhiều chi phí khác. Như vậy, giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến bán lẻ là 1.200 đồng-1.341 đồng/lít, với dầu là 1.130 đồng-1.254 đồng/lít.

Ở chiều ngược lại, để đảm bảo và bù đắp được chi phí kinh doanh xăng dầu cho thương nhân phân phối cũng như đại lý bán lẻ xăng dầu, mỗi lít xăng chi phí tối thiểu là 1.517 đồng-1641 đồng/lít và với dầu là 1.430-1554 đồng/lít.

Vì vậy, đại diện Công ty Sơn Hải mong muốn Bộ Tài chính sớm cập nhật, xem xét một số kiến nghị để tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay.

“Các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối. Nhà nước có quy định yêu cầu các đầu mối cho các tổng đại lý, đại lý, chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh,” ông Hạnh kiến nghị.

- Biến động giá xăng dầu thời gian gần đây:

Cùng chung ý kiến này, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xăng dầu Chính Thắng (tỉnh Yên Bái), chia sẻ thêm cách đây 6 năm, mức chiết khẩu ở mức 600 đồng/lít mới đủ để hoạt động, nhưng hiện nay chiết khấu đã giảm về 0 đồng/lít, hoặc có thể ở mức 20-70 đồng/lít, trong khi để đưa hàng từ kho Đức Giang (Hà Nội) lên cửa hàng tại Yên Bái chi phí vận chuyển thấp nhất là 700 đồng/lít dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Về tình trạng cung ứng xăng dầu, bà Sinh thông tin thêm từ khoảng tháng 8/2022 đến nay, tình trạng khan hiếm, đứt hàng xảy ra liên tục, không có hàng để cấp.

“Thời gian trước, doanh nghiệp đầu mối cấp xăng dầu cho công ty theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó, song hiện nay khi nào có hàng mới cấp. Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27 m3/ngày là cả xăng và dầu, trong khi khu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đại lý của công ty gấp khoảng 2,5 lần con số đó,” bà Sinh nói.

Trong khi đó, theo ông Sơn, chủ một doanh nghiệp xăng dầu tại địa bàn An Khánh (Hà Nội), xăng dầu là hàng hóa nên cách tiếp cận cần theo thị trường. Đồng tình việc Nhà nước quản lý giá song ông đề nghị phải phản ánh đủ chi phí của doanh nghiệp mới có thể giải quyết được tận gốc các bất cập nảy sinh hiện nay.

“Nếu quy định không phản ánh đúng thực tế khách quan thì rất khó quản lý, vì doanh nghiệp có thể lách luật và người tiêu dùng cuối cùng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp,” vị này cho hay.

Cần sự phối hợp và chia sẻ

Cuối năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.

Theo quy định tại Nghị định này, giá xăng dầu được điều chỉnh mỗi tháng 3 lần vào các ngày: 1, 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần, thay vì 15 ngày một lần như trước). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Dù vậy, bà Lê Thị Nhã, đại diện doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc cho rằng xăng dầu là hàng hóa nên cần tuân theo quy luật thị trường một cách khách quan, càng không nên đưa ra các quy định độc quyền đầu vào nhằm thủ tiêu cạnh tranh, bởi nó sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.

Dẫn quy định mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu tại một thời điểm chỉ được mua hàng của 1 đơn vị cung cấp, theo đại diện doanh nghiệp này: "Nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đổi giấy phép, mà mỗi lần thay đổi giấy phép thì phải làm nhiều thủ tục, mất thời gian, công sức của doanh nghiệp. Đồng thời cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới."

Trong khi đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến nghị nên 'thả' mặt hàng xăng theo thị trường vì mặt hàng này chủ yếu phục vụ tiêu dùng, đi lại của người dân, không phải mặt hàng thiết yếu và người dân cần tiết kiệm. Còn với dầu diesel phục vụ sản xuất, đánh bắt thủy hải sản… thì Nhà nước quản lý là đúng song dựa trên nguyên tắc có sự điều tiết, chẳng hạn như sử dụng quỹ bình ổn để điều tiết mặt hàng này.

“Pháp luật hiện hành quy định quá nhiều khâu trung gian gây khó khăn cho doanh nghiệp và tăng chi phí dẫn đến người tiêu dùng phải gánh chịu…,” đại diện Hiệp hội bày tỏ.

Ông Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị xăng dầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cộng với xung đột chính trị giữa Nga-Ukraine đã ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng toàn cầu trong đó có lĩnh vực xăng dầu.

Đối với Việt Nam, dù sản xuất trong nước đáp ứng từ 70-80% song phần còn lại vẫn phải nhập khẩu, do vậy biến động của thế giới cũng ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu trong nước.

Chia sẻ các ý kiến đưa ra, ông Tuấn khẳng định sẽ tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị qua đó đề xuất và tham mưu cho cấp có thẩm quyền để gỡ vướng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, bám sát với thực tiễn.

“Quan điểm tham mưu của đơn vị là hài hoà giữa Nhà nước-doanh nghiệp-người dân, với chính sách còn chưa phù hợp sẽ được đơn vị tiếp thu và tham mưu, điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi các bên,” đại diện Vụ thị trường trong nước cho hay.

Về phía Tổng Cục Quản lý thị trường, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ cũng khẳng định phía Bộ Công Thương và Tổng cục luôn có văn bản chỉ đạo sát sao nhằm giúp doanh nghiệp bán lẻ đảm bảo quyền lợi chính đáng trong kinh doanh, cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua đó đảm bảo an sinh xã hội.

“Đơn vị sẽ báo cáo lãnh đạo bộ những đề xuất của doanh nghiệp để thời gian sớm nhất có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh xăng dầu,” ông Nguyễn Đức Lê cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục