Kinh doanh đồ ăn trên các ứng dụng trực tuyến: Người mua hay người bán được lợi?

Những cuộc tranh luận về chất lượng của đồ ăn đặt trên các ứng dụng online cũng như lợi ích của người bán, người mua vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi trên các mạng xã hội thời gian qua.
Việc gọi đồ ăn trực tuyến đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu.. (Ảnh: Vietnam+)

Hình thức gọi đồ ăn trực tuyến đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất. Ngay cả những cửa hàng, quán ăn có thương hiệu lâu năm, có địa điểm đẹp, thu hút một lượng khách quen và khách vãng lai cố định cũng đã phải đăng ký gian hàng trên các ứng dụng đặt món trực tuyến.

Tuy nhiên, dù có mang tâm lý “giao hàng tại nhà không thể ngon bằng ăn tại chỗ,” thì những cuộc tranh luận về chất lượng của đồ ăn đặt qua các ứng dụng online cũng như lợi ích của người bán, người mua vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi trên các mạng xã hội thời gian qua.

Chấp nhận lãi ít để giảm thiểu rủi ro

Vào giữa năm nay, anh C. (Đội Cấn, Hà Nội) dự định mở một quán càphê nhỏ trên phố. Tuy nhiên, những mặt bằng cho thuê có diện tích 80-100m2 trên các con phố nhỏ nhưng khá sầm uất của nội thành Hà Nội như Quang Trung, Ngô Quyền thường được báo với giá từ 50 đến 100 triệu đồng một tháng. Chi phí này hiện tại quá cao so với một cửa hàng mới chưa có thương hiệu. Vì vậy, anh C. lựa chọn bán hàng tại nhà, trước hết là bán online trên các ứng dụng trực tuyến.

Để có được gian hàng trên các ứng dụng đặt món trực tuyến, các chủ cửa hàng phải trải qua một quy trình xác minh khá phức tạp, bao gồm cả chụp ảnh vị trí, địa điểm bán hàng. Với những người kinh doanh tại nhà như anh C., anh chỉ cần sửa lại khu vực sân trời trước nhà, làm một tấm biển tên cửa hàng nhỏ treo trước cổng là đủ đáp ứng những yêu cầu của ứng dụng.

Bên cạnh đó, anh cũng phải mất thêm một khoản phí đăng ký gian hàng. Khoản phí này sau này thường sẽ được nhà cung cấp chuyển đổi thành các mã giảm giá cho khách hàng.

Sau khi đăng ký và được duyệt thành công, hàng ngày anh chỉ cần hàng ngày kiểm tra đơn, chuẩn bị hàng và giao cho các nhân viên giao hàng của ứng dụng. Mặt khác, do ở trong khu vực ngõ khá rộng, anh cũng đón được một lượng khách vãng lai nhất định. Anh C. cho biết mình dự định bán tại nhà để tạo thương hiệu, đồng thời có thời gian chờ trong lúc tìm được địa điểm hợp lý.

Bán hàng trực tuyến phù hợp với những người muốn kinh doanh tại nhà hoặc có mặt bằng nhỏ. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Tỷ lệ chiết khấu cao thường là vấn đề được chia sẻ nhiều trong các hội, nhóm bán hàng trực tuyến. Thông thường, các ứng dụng bán hàng sẽ thu chiết khấu ít nhất 25% trên tổng đơn hàng (không tính phí ship). Ngoài ra, để thu hút khách hàng, các cửa hàng thường được gợi ý tham gia các chương trình khuyến mãi giảm giá, theo đó ứng dụng sẽ chịu một phần, các cửa hàng sẽ chịu một phần khoản phí giảm giá cho khách hàng.

Các cửa hàng có thể lựa chọn không áp dụng các chương trình giảm giá. Tuy nhiên, có một thực tế mà nhiều người bán hàng trên các ứng dụng trực tuyến đều biết, đó là nếu không tham gia vào các chương trình khuyến mãi, khả năng tiếp cận của cửa hàng sẽ thấp hơn. Thậm chí, dù cho người mua có thể tiếp cận được với gian hàng nhưng vẫn chần chừ khi lựa chọn bởi cửa hàng không có chương trình giảm giá cho khách.

Như vậy, có thể nhẩm tính người bán hàng thường thu về khoảng 65-75% dựa trên doanh thu thực tế trên các ứng dụng này. Khoản chiết khấu này khá hợp lý đối với những người kinh doanh tại nhà, không chịu áp lực về mặt bằng như anh C. Tuy nhiên, đối với những cửa hàng đang kinh doanh trực tiếp, đây là một con số khá cao,

Chị L., thuê một mặt bằng rất nhỏ trên mặt đường phố Thụy Khuê (Hà Nội) gần trường Tiểu học Chu Văn An để bán đồ ăn vặt và nước. Diện tích quá nhỏ khiến chị chỉ kê được 2 chiếc bàn nhựa và vài chiếc ghế, bởi vậy khách của chị chủ yếu là người đến mua mang về. Vài tháng trở lại đây, chị bắt đầu đăng ký bán hàng trên GrabFood và có một lượng đơn hàng tương đối ổn định.

Chị L. cho biết với mức chiết khấu 25% hoặc nhiều hơn nếu áp dụng các chương trình khuyến mãi, nếu trừ đi chi phí thuê mặt bằng thì mức lãi thu được của chị không còn nhiều. Tuy nhiên, việc khách đặt hàng thông qua ứng dụng sẽ giúp chị giảm bớt được thời gian trao đổi với khách và tìm người giao hàng, và lượng hàng tiêu thụ nhanh cũng giúp chị quay vòng nguyên liệu nhanh hơn để sản phẩm có chất lượng tốt hơn.

Bởi vậy, bất chấp những lời than phiền của người tham gia kinh doanh, số lượng cửa hàng mới đăng ký trên các ứng dụng đặt món ăn trực tuyến vẫn không hề giảm, bởi hình thức bán hàng này vẫn là an toàn nhất, đặc biệt với những người kinh doanh muốn giảm bớt chi phí mặt bằng, vốn chiếm giá trị lớn trong chi phí hàng tháng của mỗi cửa hàng.

Giảm chất lượng để mua sự tiện lợi

Về phía người mua hàng, việc đặt hàng qua các ứng dụng trực tuyến, bao gồm cả đồ ăn, đã ngày càng trở thành một nhu cầu không thể thiếu, dù với mỗi đơn hàng khách hàng phải trả từ 15.000-50.000 đồng tiền phí giao hàng, nhưng chi phí này sẽ giảm nếu vài người đặt chung một đơn.

Việc các ứng dụng đặt món online vẫn tồn tại được chính là vẫn được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Đặt món trực tuyến giúp khách hàng cùng lúc tiếp cận được với một danh sách quán, món ăn, giá thành đa dạng, có thể lựa chọn, so sánh, tìm được món ăn giá thấp nhất, được khuyến mãi nhiều nhất, hay có phí ship rẻ nhất.

Đặc biệt, việc lưu lại thông tin đặt hàng trên app còn giúp khách có thể dễ dàng tìm lại quán cho lần đặt sau, hoặc lưu ý tránh những cửa hàng mình không thấy vừa lòng.

Nhiều người kinh doanh lựa chọn cả hình thức bán hàng trực tiếp và bán hàng qua app. (Ảnh: Vietnam+)

Nhược điểm của việc mua đồ ăn theo hình thức này là khách hàng không được xem hình ảnh thật cũng như chất lượng thật của đồ ăn tại cửa hàng như khi đi ăn trực tiếp, cũng như khó khăn hơn trong việc khiếu nại, thắc mắc hay yêu cầu đối với cửa hàng. Vì vậy, rủi ro thường gặp nhất đối với khách hàng vẫn là chất lượng đồ ăn không như mong muốn, thậm chí quá dở, đặc biệt khi khách hàng phải trả thêm một khoản phí giao hàng.

Đồ ăn đến tay khách hàng qua kênh giao hàng cũng sẽ giảm bớt về mặt chất lượng, đặc biệt là những đồ ăn nước, đồ ăn nóng. Những nhược điểm này gần đây cũng đã được khắc phục khá tốt qua các loại đồ dùng đựng thức ăn, cũng như qua cách thức bảo quản đồ ăn của các “shipper,” tuy chưa thực sự hoàn hảo nhưng cũng khiến chất lượng đồ ăn đươc cải thiện rõ rệt.

Chất lượng đồ ăn cũng là đề tài của rất nhiều topic “bóc phốt” trên mạng xã hội, khi người mua nhận được sản phẩm qua ít so với mức trung bình trên thị trường, hoặc quá khác với ảnh chụp minh họa món ăn.

Những cuộc tranh luận này thường chia thành hai luồng dư luận. Trong đó, phía những người kinh doanh trên các ứng dụng trực tuyến, hoặc những người ủng hộ người bán hàng, thường cho rằng mức chiết khấu quá cao, đặc biệt mỗi khi được áp dụng các chương trình khuyến mãi, khiến người bán không thể thu được lợi nhuận, thậm chí lỗ công sức bỏ ra. Do đó, người bán phải lựa chọn hình thức tăng giá bán hàng trên menu hoặc giảm bớt khẩu phần để bù đắp lại một phần lợi nhuận.

Còn phía người mua thường cho rằng việc chấp nhận chịu hòa vốn hoặc lỗ chính là một phần của chi phí quảng cáo sản phẩm trong những chương trình khuyến mãi nói chung. Và việc người bán hàng giảm đi chất lượng sản phẩm là một hành vi “lừa” người tiêu dùng.

Những tranh cãi này thường không dẫn đến một kết quả cụ thể, do bên nào cũng có lý lẽ riêng hợp lý. Tuy nhiên, những người thường xuyên đặt đồ ăn qua kênh trực tuyến cũng đã tích lũy được một vài kinh nghiệm riêng để đặt được đồ ăn ưng ý như lưu địa chỉ những quán “ruột,” hoặc lựa chọn nhưng cửa hàng uy tín, đã bán hàng lâu năm.

Chị Ly (nhà báo) cho biết công việc của chị thường xuyên phải trực tối, chị thường lựa chọn những cửa hàng đã kinh doanh trực tiếp lâu năm hoặc có thương hiệu như Cơm 123, phở gà Nguyệt.

Chị cho rằng những cửa hàng này đã có một lượng khách trực tiếp cố định, việc bán hàng qua các ứng dụng trực tuyến chỉ là một kênh phụ, nên họ sẽ giữ chất lượng gần như ở mức chuẩn để đảm bảo uy tín của thương hiệu. Tuy nhiên, đôi lúc, chị cũng thử nghiệm những địa chỉ mới để thay đổi khẩu vị cũng như tìm được những cửa hàng chất lượng mới, và chấp nhận sẽ gặp những rủi ro như trên.

Có thể nói rằng, sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng gọi món ăn trực tuyến không chỉ đơn thuần phản ánh một xu thế bán hàng, một trào lưu kinh doanh, mà còn đánh dấu sự thay đổi đáng kể về phong cách sống trong xã hội thành thị.

Việc nhận tận nhà những món ăn, đồ uống ngon lành khi chúng ta đang bận rộn, vào những lúc nắng nóng hay mưa dầm chính là một cách tăng chất lượng sống cho bản thân mình, cũng như cho thấy vai trò to lớn của công nghệ trong đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với những người bán hàng vẫn là cần giữ vững chất lượng, nếu muốn hình thức kinh doanh này trở nên bền vững hơn,/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục