Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến gần tới mốc kỷ lục 600 tỷ USD

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, tính chung từ đầu năm đến ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 510 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 254 tỷ USD, nhập khẩu đạt 256,45 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến gần tới mốc kỷ lục 600 tỷ USD ảnh 1May hàng xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến nửa đầu tháng 10/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 510 tỷ USD. Do vậy, mốc kỷ lục 600 tỷ USD dự kiến có thể đạt được vào cuối năm nay.

Chỉ tính riêng từ ngày 1-15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 26 tỷ USD, giảm khoảng 3 tỷ USD so với nửa cuối tháng 9/2021. Cụ thể, xuất khẩu đạt 13,16 tỷ USD, nhập khẩu đạt xấp xỉ 13 tỷ USD. Đặc biệt, trong nửa đầu tháng 10, Việt Nam xuất siêu gần 200 triệu USD.

Đáng chú ý, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may.

Như vậy, tính chung từ đầu năm đến ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 510 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 254 tỷ USD, nhập khẩu đạt 256,45 tỷ USD.

[Thuận lợi, thách thức đan xen, Việt Nam tăng tốc để xuất khẩu về đích]

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu cho biết thêm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước 9 tháng đầu năm đạt 484 tỷ USD, tương đương gần 54 tỷ USD/tháng. Với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể vượt 600 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, nếu so sánh về cán cân thương mại, tính từ đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn bị thâm hụt 2,45 tỷ USD.

Mặc dù cán cân thương mại hàng tháng đã chuyển dần sang nhập siêu từ thời điểm đầu quý 2 nhưng mức nhập siêu đã giảm dần trong thời điểm giữa và cuối quý 3. Vì thế, cán cân thương mại tháng 8 chỉ nhập siêu 100 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại sẽ diễn biến phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ theo dõi sát sao hoạt động xuất nhập khẩu; trong đó, có vấn đề cán cân thương mại.

Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững và vấn đề cán cân thương mại. Đặc biệt, cuối tháng 6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ để giảm thâm hụt cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu trong thời gian tới là nhanh chóng phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, điều kiện quan trọng là các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát dịch bệnh gắn với chú trọng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục