Kim ngạch xuất khẩu rau quả bật tăng, hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD

Theo Hiệp hội Rau quả, nếu ngành rau quả giữ vững đà xuất khẩu cho đến cuối năm thì kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 5 tỷ USD như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra cho năm 2025.
Sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam ước đạt hơn 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 2,75 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sở dĩ trong 1 tháng mà xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục, vượt 1 tỷ USD, là do thị trường Trung Quốc mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam như sầu riêng, bưởi...

Trung Quốc dẫn đầu trong top 5 thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm hơn 63% tổng giá trị xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Ngoài thị trường Mỹ có sự sụt giảm 12% so với cùng kỳ 2022 thì các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan có mức tăng lần lượt là 12%, 0,5% và 70%.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên nhấn mạnh nếu ngành rau quả giữ vững đà xuất khẩu cho đến cuối năm 2023 thì kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 5 tỷ USD như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra cho năm 2025.

[Thị trường xuất khẩu rau quả: Dư địa lớn nhưng tiêu chuẩn cao]

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho biết hiện nay, Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy nên hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch.

Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc nên việc lưu hành vào thị trường này có thể đáp ứng được. Tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc rất lớn. Người tiêu dùng nơi đây cũng hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sự cạnh tranh, nên cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều phải đồng lòng mới đạt được con số xuất khẩu bất ngờ.

Các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu quả vải sang các thị trường, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc.(Ảnh: Vũ Hà/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá Việt Nam đã mở rộng nhiều kênh tiêu thụ, đặc biệt như thương mại điện tử; mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nhân Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tiêu thụ vải, nhãn...

Tuy thời gian tiêu thụ vải ngắn nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương... đều có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T - cho biết dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt vẫn bứt phá. Trung Quốc là thị trường giúp hoạt động xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp này tăng trưởng tốt những tháng đầu năm.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là cơ hội để tổ chức phát triển các ngành hàng rau quả Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, từ đó nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Triển vọng tiếp tục tươi sáng trong nửa cuối năm

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết trong những năm gần đây, rau quả ngày càng đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Mặc dù trong giai đoạn COVID-19, kim ngạch xuất khẩu rau quả bị giảm sút do các chính sách kiểm soát dịch của một số thị trường nhưng vẫn nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Sau khi dịch được kiểm soát và các thị trường mở cửa trở lại, rau quả được kỳ vọng sẽ phục hồi và gia tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu.

Nhãn cũng là một mặt hàng xuất khẩu được các thị trường ưa chuộng . (Ảnh: Vũ Hà/Vietnam+)

Dự báo triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quý 3-4/2023, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ...

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân cần tập trung vào loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, sản xuất có mã số, nâng cao chất lượng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, việc cấp mã số vùng trồng rau quả cũng được chú trọng tại các địa phương. Cả nước có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu.

Đồng thời, có 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng... tập trung ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...

Riêng sầu riêng, mặt hàng mới được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ năm 2022, Việt Nam có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng dự báo với nguồn cung dồi dào, nửa cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu nắm bắt tốt yêu cầu thị trường. Kim ngạch xuất khẩu rau quả khởi sắc rõ rệt đã tạo nên niềm vui và động lực cho toàn ngành rau quả nói riêng, xuất khẩu nông sản nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục