Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ năm 2016 sẽ sụt giảm tới 1/2

Xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt với vô vàn khó khăn và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD, bằng 1/2 kim ngạch của năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ năm 2016 sẽ sụt giảm tới 1/2 ảnh 1Cơ sở chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại đèo Phú Gia, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Tại hội thảo “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội gỗ dăm xuất khẩu Quảng Nam-Quảng Ngãi, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends tổ chức ngày 15/7, tại Hà Nội, đa số các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng xuất khẩu dăm gỗ sụt giảm mạnh bởi ngành này đang phải đối mặt với những khó khăn kép.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong 5 tháng đầu 2016 đạt 248 triệu USD, giảm mạnh so với con số 430 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá dăm đã giảm mạnh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, việc nhu cầu tiêu thụ dăm tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn nhất thế giới - đang giảm dẫn đến sự ùn tắc trong xuất khẩu.

Mặt khác, trong nỗ lực nhằm hạn chế xuất khẩu dăm, Việt Nam đã áp dụng mức thuế xuất khẩu 2% kể từ đầu 2016.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, việc áp dụng mức thuế này trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và cầu tiêu thụ co hẹp phần nào làm cho ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng trở lên khó khăn hơn. Mức thuế xuất khẩu 2% tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD/tấn dăm trong cơ cấu giá thành dăm xuất khẩu.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, việc hạn chế xuất khẩu dăm, tạo nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp áp thuế xuất khẩu 2% như hiện nay cần được kiểm chứng về mặt thực tiễn.

Mặc dù vậy, theo một số chuyên gia, những khó khăn hiện tại của ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam không đơn thuần chỉ là do những biến động cung–cầu trên thị trường mà còn do những vấn đề nội tại của ngành dăm gỗ, đặc biệt có liên quan đến sự phát triển nóng, ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng hiện diễn ra tại một số địa phương, đặc biệt là các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở vùng Bắc Trung bộ.

Hiện tại, lượng dăm tồn kho ở Việt Nam đang rất lớn. Sự sụt giảm nghiêm trọng về khối lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực không chỉ đối với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chế biến dăm gỗ xuất khẩu, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung.

Ông Nguyễn Như Xuân, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nam (Vijachip), kiến nghị nếu có thể, các cơ quan chức năng nên tạm dừng hoặc miễn thuế xuất khẩu. Việc áp thuế theo lộ trình sẽ giúp các nhà sản xuất có đủ thời gian cần thiết để chuẩn bị nguồn lực chuyển sang chế biến sâu và người trồng rừng chuyển sang một bước kinh doanh mới. Như vậy, ngành dăm gỗ mới sẽ phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rang chủ trương nhất quán của Nhà nước là giảm tỷ trọng dăm gỗ trong cơ cấu xuất khẩu chứ không phải bằng biện pháp hành chính “bóp” ngành này.

Chính sách về thuế đối với dăm gỗ đã bàn thảo trong 5 năm qua. Việc áp mức thuế xuất khẩu 2% không phải là bất ngờ và chiến lược phát triển ngành công nghiệp gỗ cũng đã rất rõ.

“Quan hệ cung cầu mới là gốc của vấn đề. Nếu không nhìn nhận, tiên liệu được thì không bao giờ giải quyết được vấn đề,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Hiện nay, xu hướng giảm cầu dăm chưa có dấu hiệu chấm dứt. Điều này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dăm và toàn bộ các khâu trong chuỗi cung.

Nếu từ nay đến cuối 2016 xu hướng xuất khẩu này không thay đổi, ngành chế biến và xuất khẩu dăm của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với vô vàn khó khăn và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD, chỉ bằng khoảng 1/2 kim ngạch của năm 2015; lượng dăm xuất khẩu cả năm sẽ chỉ đạt trên dưới 7 triệu tấn, tương đương với khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu của 2015./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục