Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, cùng với nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của địa phương tiếp tục đà tăng trưởng cao.
Sáu tháng đầu năm 2022, Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản hàng hóa các loại khoảng 2,03 tỷ USD, tăng hơn 18,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 60,7% kế hoạch năm.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh và chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp bao gồm sản phẩm may mặc, giày, túi xách, ống đồng, sản phẩm nhựa…chiếm đến 76,5%; nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 14,5% và còn lại là các mặt hàng khác.
Qua đó, cho thấy hiệu quả các chính sách thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh vào các khu-cụm công nghiệp trong thời gian qua góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, xây dựng quê hương.
[Tiền Giang bàn giải pháp phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch]
Theo ghi nhận đến nay, Tiền Giang đã thu hút được 326 dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng vốn đầu tư đăng ký 82.411 tỷ đồng; trong đó, riêng đầu tư nước ngoài thu hút được 129 dự án, tổng vốn đầu tư trên 58.000 tỷ đồng, tương đương 2,73 tỷ USD.
Đồng thời, tỉnh cũng nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm 2022, khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới. Tiền Giang quan tâm vận dụng tốt các chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất ổn định và đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.
Theo ông Đặng Văn Tuấn, các chính sách thu hút, mời gọi đầu tư gắn với kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng một cách mạnh mẽ.
Nhiều nhà máy hoạt động trong Khu Công nghiệp Tân Hương, Khu Công nghiệp Long Giang,…ngay từ đầu năm đã đi vào hoạt động ổn định, đẩy mạnh sản xuất và tích cực tham gia xuất khẩu. Từ đó, góp phần giúp tỉnh đạt kim ngạch năm sau cao hơn năm trước và vượt mức so kế hoạch theo nghị quyết đề ra.
Tỉnh cũng chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cùng với các thị trường truyền thống, địa phương khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm thêm thị trường mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định FTA nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững.
Ngoài ra, Tiền Giang tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại và khai thông thị trường xuất khẩu cho nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: gạo, thủy sản chế biến, trái cây đặc sản,…
Ông Đặng Văn Tuấn cũng cho hay, quan điểm của địa phương là mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, bao gồm cả xuất khẩu nông sản tươi và nông sản thông qua chế biến, phù hợp yêu cầu từng thị trường và đảm bảo gia tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu chính ngạch và giảm dần xuất tiểu ngạch,…Đặc biệt là không ngừng mở rộng thị trường, tăng thị phần hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh tại các thị trường mục tiêu đồng thời với tăng dần tỷ trọng hàng nông sản chế biến sâu và mang lại giá trị gia tăng cao.
Cùng với đảm bảo tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu theo kế hoạch được giao hàng năm, Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản bình quân 7-8%/ năm, trong đó xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 5,6%/năm, các mặt hàng rau quả đạt tăng trưởng 9,5%/ năm./.