Kim ngạch xuất khẩu càphê sang thị trường Anh giảm đáng kể

Nhập khẩu càphê của Anh từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 16,4 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, giảm 48,4% về lượng và giảm 49,3% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu càphê sang thị trường Anh giảm đáng kể ảnh 1Thu hoạch càphê ở Đắk Lắk. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết do chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và xu hướng tiêu dùng của người dân Anh khiến kim ngạch xuất khẩu càphê của Việt Nam sang thị trường Anh sụt giảm đáng kể.

Hiện tại xuất khẩu càphê của Việt Nam dưới dạng thô hoặc chế biến sơ, trong khi cơ cấu tiêu dùng càphê ở Anh chủ yếu là càphê hòa tan, chiếm 41% thị phần, cao hơn rất nhiều so với bình quân 17% thị phần tại châu Âu.

Dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, theo Cục Xuất nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu càphê của Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 100,3 nghìn tấn, trị giá 424,62 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, Anh tăng nhập khẩu càphê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, ngoại trừ Việt Nam và Honduras.

Thống kê cho thấy, nhập khẩu càphê của Anh từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 16,4 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, giảm 48,4% về lượng và giảm 49,3% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.

[Sản lượng càphê Brazil giảm mạnh, giá càphê Việt Nam tăng đều]

Ngoài ra, thị phần càphê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm từ 27,32% trong 6 tháng đầu năm 2020, xuống 16,35% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Về dài hạn, nhập khẩu càphê của Anh dự báo sẽ tăng trở lại. Phân khúc càphê cửa hàng được coi là một trong những lĩnh vực có khả năng phục hồi tốt nhất hậu COVID-19, mức tăng trưởng bình quân dự kiến là 2,4% trong giai đoạn 2020-2024.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ cà phê tại nhà vẫn bị chi phối chủ yếu bởi việc bán càphê hòa tan, càphê vỏ và càphê xay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ, những người ngày càng quan tâm đến cà phê chất lượng cao hơn. Thế nhưng, tính bền vững về môi trường và truy xuất nguồn gốc sẽ là những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng càphê Anh.

Cục Xuất Nhập khẩu cũng cho hay Anh là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, có chính sách thương mại tự do và có nhu cầu nhập khẩu nông phẩm lớn.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) được Chính phủ hai nước ký kết kịp thời vào cuối năm 2020 đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh.

Năm 2020, Anh nhập khẩu càphê từ thị trường Việt Nam với trị giá gần 1 tỷ USD nhưng đây là thị trường có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước.

Do vậy, nhằm xuất khẩu càphê sang Anh ổn định, các chuyên gia khuyến nghị, ngành cà phê Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp thực hành sản xuất theo GlobalGAP vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường cao cấp.

Hơn nữa, sản phẩm xuất khẩu phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh cũng như cần có chiến lược phù hợp để thiết lập quan hệ bạn hàng lâu dài tại thị trường tiềm năng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục