Số liệu công bố ngày 27/7 của Tổng công ty Thương mại Nông thủy sản và Thực phẩm Hàn Quốc cho thấy, Kim chi - món ăn truyền thống của người dân Hàn Quốc - đang ngày càng được người dân trên toàn thế giới ưa chuộng khi kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này tăng đều theo từng năm.
Theo số liệu của Tổng công ty Thương mại Nông thủy sản và Thực phẩm Hàn Quốc, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc đã xuất khẩu 20.259 tấn Kim chi, tương đương 68,3% lượng xuất khẩu của cả năm 2019.
Xuất khẩu Kim chi đang có xu hướng tăng đều đặn mỗi năm, từ 23.490 tấn của năm 2016 lên 29.529 tấn năm 2019.
Thị trường tiêu thụ Kim chi lớn nhất của Hàn Quốc là Nhật Bản, chiếm 1/2 lượng Kim chi được bán ra toàn cầu.
Năm 2019, Hàn Quốc xuất khẩu 15.949 tấn Kim chi sang đất nước Mặt Trời mọc. Lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm nay đạt 10.349 tấn, tương đương 63,9% của năm 2019.
Trong khi đó, các thị trường tiêu thụ Kim chi lớn khác (dù chưa thể so sánh với Nhật Bản về số lượng nhưng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ gần đây) là Mỹ, Australia, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Trong 6 tháng qua, xuất khẩu Kim chi của Hàn Quốc sang thị trường Mỹ đạt 3.024 tấn, Australia 1.112 tấn, Hong Kong 1.022 tấn, vùng lãnh thổ Đài Loan 887 tấn, tương đương khoảng 71-81% lượng xuất khẩu của năm 2019.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Kim chi lớn của Hàn Quốc là Daesang, CJ CheilJedang và Pulmuone.
[Kim chi đứng trong tốp đầu các thực phẩm có lợi cho sức khỏe]
Mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất là Kim chi Jongga Jip của Công ty Daesang với kim ngạch tăng mạnh hàng năm, từ mức 26 triệu USD năm 2015 lên 43 triệu USD năm 2019.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Công ty Daesang đạt 30 triệu USD, chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu Kim chi của cả nước.
Daesang hiện đang xuất khẩu Kim chi sang hơn 40 thị trường quốc tế. Dự kiến trong tháng Tám tới, công ty này sẽ khởi động nhà máy sản xuất Kim chi ở Trung Quốc, đặt mục tiêu đưa "món ăn khoái khẩu" này tới tất cả các thực khách trên toàn cầu.
Ngoài ra, công ty này cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất Kim chi khác ở Mỹ ngay trong năm 2020.
Trong khi đó, CJ Cheil Jedang nổi tiếng với món "Kimchi cuộn Bibigo," được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Singapore châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan và Philippines.
Đặc biệt, từ năm 2018, CJ CheilJedang sản xuất trực tiếp Kim chi tại Việt Nam và có điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của các thực khách bản địa.
Doanh nghiệp này cho biết lượng xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm nay tăng 30%, trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh nhất.
Pulmuone được biết đến với món "Kim chi Nasoya" và hiện đang được bán tại hơn 10.000 cửa hàng phân phối, trong đó có cả chuỗi siêu thị Walmart của Mỹ.
Trước đây, thực khách của món Kim chi ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới chủ yếu là người Hàn Quốc sinh sống tại những nơi đó. Tuy nhiên, gần đây đông đảo người dân bản địa các nước cũng ưa chuộng Kim chi vốn đã được chứng minh "có nhiều công dụng cho sức khỏe."
Xu hướng xuất khẩu Kim chi tăng mạnh gần đây cho thấy món ăn truyền thống này đã và đang đáp ứng được khẩu vị của hầu hết các thực khách khó tính trên quy mô toàn cầu./.