Là con gái duy nhất của nghệ sỹ nhân dân Minh Châu và đạo diễn Kiều Tuấn, Kiều Linh - quý cô thuộc thế hệ 8X đời đầu, không lựa chọn kế nghiệp cha mẹ mà lên đường du học chuyên ngành kiểm toán.
Tốt nghiệp, đi làm công việc đúng với chuyên môn được 10 năm, ái nữ- của gia đình nghệ sỹ đột ngột rẽ ngang, từ bỏ sự nghiệp thăng hoa ở Mỹ để bắt đầu lại với giấc mơ thời trang từ thuở nhỏ. Không chỉ tự mình tạo bước ngoặt lớn, Kiều Linh còn chọn lĩnh vực đầy khó khăn và thử thách là “eco fashion” - thời trang thân thiện với môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Cô gái đầy bản lĩnh ấy đã lặn lội về tận làng nghề truyền thống của Việt Nam để tìm được chất liệu thượng hạng, thuộc hàng “độc nhất vô nhị." Thậm chí, Kiều Linh còn tự mình tới Ấn Độ, trải nghiệm quá trình tạo vải cashmere trước khi biến chất liệu được dệt tinh tế này trở thành một phần của Yếm - thương hiệu thời trang gắn liền với giá trị truyền thống và tôn vinh kỹ nghệ thủ công.
Ngày ấy, tôi chọn kiểm toán là vì muốn có cuộc sống ổn định, dự tính khi học xong sẽ trau dồi kinh nghiệm để bắt đầu sự nghiệp riêng. Tuy nhiên sau đó, công việc tiến triển tốt, đem lại nhiều lợi ích về mặt vật chất khiến tôi cứ mải miết trôi theo nó và dần quên đi đam mê thật sự.
Sau 10 năm gắn bó với nghề kiểm toán, tôi nhận thấy sự trống trải ngày một lớn dần, luôn tự hỏi bản thân không hiểu mình làm điều này để làm gì. Thậm chí, sáng nào tôi cũng đau khổ vì phải đi làm, bị cảm giác chán ghét đè nặng. Đi làm thì chỉ chờ tới tối để về nhà, đầu tuần thì chờ tới cuối tuần để được đi chơi, mỗi ngày tôi đều chờ đợi như vậy.
Về sau, tôi thấy cuộc sống ấy rất “tù túng." Có một thời gian tôi liên tục chuyển việc và nuôi ý định sáng lập thương hiệu riêng. Nhưng lúc đó tôi vẫn tự nhủ phải chờ thêm để tích lũy vốn, gom góp thêm kinh nghiệm. Cho đến một ngày, tôi vỡ ra một điều rằng tôi không thể chờ mãi và lãng phí thời thời gian như thế, nếu không phải bây giờ thì liệu phải đợi đến bao giờ. Và thế là tôi quyết định theo đuổi đam mê. Tôi bắt tay vào xây dựng Yếm.
Tôi chọn Yếm vì yếm chính là trang phục tôi yêu thích từ khi còn nhỏ và còn bởi yếm đối với tôi có nghĩa vô cùng đặc biệt. Tôi luôn tâm niệm một điều: thời trang thực sự không phải là những xu hướng nhất thời. Trang phục phải là sự đầu tư, vừa thể hiện được cá tính của bản thân vừa có giá trị bền vững với thời gian. Chiếc yếm của người phụ nữ Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố ấy. Và đây cũng là cảm hứng để tôi tạo ra thương hiệu Yếm của riêng mình. Tôi hy vọng các sản phẩm của Yếm có thể mặc được dài lâu, đến thế hệ sau vẫn giữ được sức hút.
Thêm một lý do nữa khiến tôi chọn Yếm làm tên thương hiệu là vì vẻ đẹp truyền thống mà hình tượng chiếc yếm đem tới. Nét bình dị, thuần Việt của Yếm giống như đặc trưng trong các sản phẩm của chúng tôi, ấy là những thiết kế từ chất liệu có nguồn gốc tự nhiên và sử dụng kỹ thuật dệt vải thủ công vô cùng tinh xảo.
Yếm hướng đến lớp phụ nữ ở độ tuổi 35-50, các quý cô, quý bà thành đạt và có bản sắc thời trang rõ ràng. Họ không bó buộc vào hàng hiệu nhưng có sự hiểu biết nhất định và tiêu chuẩn cao về mỗi trang phục khoác lên người.
Trước mắt, tôi dự định tập trung giới thiệu yếm tại Mỹ, các sản phẩm sẽ được bày bán tại các cửa hàng concept - kết hợp với nhiều thương hiệu khác, đồng thời sẽ được bán qua website. Đối với khách hàng Việt Nam, nếu yêu mến thiết kế của Yếm cũng có thể đặt mua online.
Điểm khác biệt rõ rệt nhất chính là chất liệu. Chất liệu làm nên sản phẩm chủ đạo của Yếm là lụa đũi thượng hạng (Midnight Silk), ngoài Việt Nam thì trên thế giới không nơi nào có. Ngay tại Việt Nam, chất liệu này cũng rất hiếm, thậm chí còn hiếm hơn cả lụa lãnh Mỹ A.
Cùng cách nhuộm với lãnh Mỹ A, cũng dùng mủ mặc nưa song lụa đũi của Yếm sử dụng công thức dệt hoàn toàn khác. Vì thế giữa hai chất liệu tưởng chừng giống nhau lại hoàn toàn khác biệt. Chất liệu lãnh Mỹ A có bề mặt khá mịn nhưng lụa đũi của chúng tôi thì có độ sần, sờ vào hơi gai tay. Ngoài ra, Midnight Silk còn dày hơn và dễ tạo kiểu hơn lãnh Mỹ A. Tuy nhiên, điểm trừ nhỏ là hiện chất liệu này chỉ có màu đen do giới hạn màu của mủ mặc nưa và số lượng vô cùng ít. Thế nên, ngoài lụa đũi, Yếm còn sử dụng thêm cả lông vũ cashmere được nhập từ Ấn Độ.
Thực sự, để làm được một sản phẩm là rất kỳ công. Muốn có được 500m vải lụa đũi, phải cần tới 2.500kg mặc nưa và ít nhất 4-5 tháng thực hiện. Cứ 4m vải thì sẽ may được một mẫu áo khoác hoàn chỉnh như thiết kế “The Audrey” mà tôi đang mặc.
Ở bộ sưu tập đầu tay, tôi cũng chỉ làm được vẻn vẹn có 35 thiết kế. Nếu bán hết, tôi sẽ phải chờ đến khi có thêm vải mới cho ra mắt bộ sưu tập tiếp theo. Chính vì sự công phu từ khâu dệt lụa đến may đo mà trang phục của Yếm trở nên “đắt giá," dù có nhiều tiền cũng chưa chắc đã mua được.
Ở thời điểm này, với tôi, tiền không còn là điều quan trọng nhất. Tôi chỉ muốn làm điều gì có ý nghĩa, trước tiên là cho chính mình. Tôi muốn một công việc mà mỗi sáng thức dậy, luôn cảm hứng ngập tràn và bản thân sẵn sàng để thực hiện nó. Tôi chọn thời trang thân thiện với môi trường vì sở thích cá nhân và cũng bởi mong muốn đem tới điều tích cực cho xã hội.
[Thừa thắng xông lên, H&M sẽ chính thức có mặt tại Hà Nội vào 11/11]
Khi tôi chia sẻ dự định của mình với bạn bè ở Việt Nam, nhiều người còn cười vì cho rằng tôi không thực sự nghiêm túc với Yếm. Họ nghĩ tôi chỉ làm vì ham muốn nhất thời chứ không có đam mê thực sự.
Nhưng bản thân tôi hiểu rõ mơ ước của chính mình. Nếu ai cũng cho rằng mảng “eco fashion” là khó, là thử thách thì liệu có mấy người dám tâm huyết đến cùng? Và nếu tôi từ bỏ thì liệu có còn nhiều người dám theo đuổi hành trình ấy?
Khách quan mà nói, người Việt mình không chuyên nghiệp bằng người Mỹ nhưng khi nhắc đến “eco fashion” thì ở mình có lợi thế hơn nhiều. Trên thế giới, có nhiều người, nhiều nhãn hàng họ tự tin cho rằng họ đang làm sản phẩm theo mô hình “eco fashion” nhưng thực chất không hoàn toàn đúng. Vì ở phương Tây, họ có xu hướng nhập nguyên vật liệu qua trung gian chứ không có điều kiện tự sản xuất vải như tại Việt Nam.
Khi quyết định thành lập Yếm, tôi đã tìm về tận làng truyền thống, gặp gia đình duy nhất còn dệt lụa đũi, sống cùng họ nhiều ngày và tìm hiểu quá trình sản xuất vải. Trong thời gian đó, tôi tìm thấy sự gần gũi, đồng điệu khi tiếp xúc với các nghệ nhân. Dần dần, chúng tôi trở nên thân thiết hơn và coi nhau như người một nhà vậy. Nhờ mối liên kết ấy, tôi mới thành công bước đầu ở khâu sản xuất chất liệu. Ngược lại, ở Mỹ, để có được mối quan hệ gắn bó với gia đình làm nghề thủ công như thế là rất khó.
Khi còn nhỏ, tôi luôn tự ti về bản thân mình. Rõ ràng cả bố và mẹ đều làm nghệ thuật giỏi như vậy mà tôi lại không có một chút tài năng nào liên quan đến lĩnh vực đó. Tôi từng cảm thấy thua kém vô cùng và cho rằng mình không có duyên với nghệ thuật. Tôi chỉ có đam mê thời trang từ sớm mà thôi. Tuy nhiên, với tôi, thời trang khi đó cũng đơn giản chỉ là sở thích.
Cho tới lúc rời nhà đi du học, đứng trước sự lựa chọn mang tính quyết định tới tương lai, tôi tự nhận ra rằng nếu đã không có chút tài lẻ nào trong nghệ thuật rồi thì chỉ nên tập trung tới thế mạnh của mình, theo đuổi chuyên ngành có thể đảm bảo cuộc sống ổn định khi ra trường là được. Thế nên tôi chọn kiểm toán và sau này rẽ ngang, trở về với đam mê lúc đầu.
Nếu nói thời trang là cảm hứng thì mẹ chính là động lực để tôi lập ra Yếm. Mẹ là lý do khiến tôi muốn bắt đầu một điều gì đó tại Việt Nam, để có cơ hội đi đi về về giữa hai nước. Suốt nhiều năm qua nhà chỉ có hai mẹ con, tôi lại sống ở nước ngoài phần lớn thời gian, bận bịu công việc nên không thể về thăm mẹ thường xuyên. Khi có Yếm, tôi nghĩ rằng mình sẽ về nhà nhiều hơn để tiện chăm sóc mẹ.
Thời điểm tôi quyết định từ bỏ công việc để khởi nghiệp, mẹ cũng là người ủng hộ tôi hết mình. Trên thực tế, bất kể tôi làm gì, mẹ dường như chỉ góp ý đôi chút rồi sau đó vẫn tôn trọng và ủng hộ mọi quyết định của con gái. Tôi cảm thấy rất may mắn khi là con của mẹ. Có mẹ là chỗ dựa tinh thần, tôi cũng thấy an tâm và tự tin thực hiện điều mình muốn./.
Cảm ơn chị Kiều Linh về buổi phỏng vấn thú vị dành cho Đẹp Online. Chúc chị luôn thành công trong công việc và trong cuộc sống!/.
Bài: Ngọc PhạmẢnh: Ngọc Phạm, Trang Trần