Kiều bào Việt Nam và những cây cầu kết nối quê hương

Từ nhiều năm qua, “Nhóm VK” tại TP.HCM đã và đang nỗ lực thực hiện chương trình thiện nguyện xóa 270 cây cầu khỉ, cầu tre, cầu ván, cầu tạm khắp các vùng miền trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Công giới thiệu về quy mô những cây cầu nông thôn do nhóm VK xây dựng. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Như một lời khẳng định “Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và là một bộ phận nguồn lực của dân tộc Việt,” từ nhiều năm qua, “Nhóm VK” tại Thành phố Hồ Chí Minh, những kiều bào yêu nước đã và đang nỗ lực thực hiện chương trình thiện nguyện xóa cầu khỉ, cầu tre, cầu ván, cầu tạm khắp các vùng miền trong cả nước, góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương.

270 cây cầu nối những bờ vui

Với tinh thần yêu nước, luôn hướng về cội nguồn Tổ quốc, 17 năm qua, kỹ sư Nguyễn Văn Công (Việt kiều Pháp) và những người bạn kiều bào yêu nước của ông đã xây dựng được 270 cây cầu nông thôn tại các tỉnh, thành ở Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên. 270 cây bêtông với ký hiệu từ VK 01 đến VK 270 đã thay thế những cây cầu khỉ, cầu tre, bè mảng tại vùng kênh rạch Đồng bằng Sông Cửu Long hay những con suối tại các huyện miền núi địa hình phức tạp của các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2000, lúc đó ông Công đã về hưu và lựa chọn Việt Nam làm nơi sinh sống lúc cuối đời. Qua những chuyến đi làm việc tại các vùng sông nước miền Tây Nam bộ, ông Nguyễn Văn Công cảm nhận rõ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống của người dân vùng sông nước miền Tây sống tại những nơi “nhìn nhau mà không có đường sang” bởi kênh rạch.

Những cây cầu truyền thống bằng những thân tre, gốc dừa tồn tại từ ngàn xưa đã bộc lộ rõ những hạn chế trước những yêu cầu mới của cuộc sống hiện đại. Trước những vất vả, khó khăn, thậm chí cả nguy hiểm của người dân, ông Công nảy ra ý định giúp bỏ những cây “cầu khỉ” lâu nay tại miền Tây Nam bộ.

Qua bàn bạc, ông Công và 9 người bạn là Việt kiều Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản… lập ra “Nhóm VK” với mục đích sẽ xây tặng 10 cây cầu nông thôn cho người dân từ nguồn kinh phí tự đóng góp (300 euro/người/3 năm).

Ông Công là một kỹ sư có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nên được tín nhiệm thay mặt nhóm VK trực tiếp thực hiện công việc xây dựng cầu. Năm 2004, cây cầu VK 01 được khánh thành trong sự hân hoan hạnh phúc của người dân An Quới-An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre và niềm tự hào của các thành viên nhóm VK.

Chiếc cầu hữu nghị VK 267 ở Châu Thành, Hậu Giang trong ngày khánh thành 23/1/2021. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ năm 2004-2007, 10 cây cầu đầu tiên của nhóm VK đã hoàn thành tại các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Long An mang lại hiệu quả thiết thực lan tỏa ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng. Tâm nguyện của nhóm VK đã hoàn thành, nhưng trước yêu cầu khẩn thiết của người dân, những cây cầu VK lại tiếp tục được xây dựng nhờ sự chung tay giúp đỡ về tài chính của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, đồng sáng lập nhóm VK, người đã sát sao đi suốt chặng đường 17 năm “xóa cầu khỉ, cầu ván, cầu tạm” cùng kỹ sư Nguyễn Văn Công cho biết đến nay nhóm VK đã xây dựng được 270 cây cầu, với chi phí khoảng 50 tỷ đồng. Từ cây cầu VK 01 đến VK 100 được xây dựng 100% từ nguồn tài chính vận động tài trợ của nhóm VK. Từ cây cầu VK 101 trở đi, các đơn vị, địa phương đề nghị xây cầu sẽ đóng góp khoản đối ứng từ 30%-50%, hoặc cao hơn, tùy theo khả năng thực tế tại nơi xây dựng cầu.

[Kiều bào Thành phố Hồ Chí Minh tích cực tham gia xây dựng đất nước]

Tuy đã độ tuổi xưa nay hiếm (ông Công 82 tuổi, bà Linh 68 tuổi), nhưng kỷ niệm về quá trình xây dựng cầu trong suốt 17 năm qua vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Công, bà Linh, những người đã dành trọn phần đời sau khi nghỉ hưu cho những công việc mang lại niềm vui cho người dân nơi thôn dã.

Bà Mỹ Linh chia sẻ kỷ niệm của 17 năm đi xóa “cầu khỉ” rất nhiều. Mỗi cây cầu là một kỷ niệm với người dân địa phương nơi đó, gắn liền với niềm vui, hạnh phúc của người dân khi nhận được cây cầu.

“Ví dụ như cây cầu VK ở huyện Đất Đỏ, Bến Tre đã giúp hai người bạn già tâm giao lâu năm được gặp nhau sau rất nhiều năm trời chỉ nói chuyện qua con kênh nhỏ. Cảnh tượng hai cụ già, một người mù lòa được con cái dắt đi và một người tàn tật được cháu đưa đi bằng xe lăn, ôm chầm lấy nhau cùng khóc ngay giữa cây cầu mới trong ngày khánh thành là một hình ảnh xúc động không bao giờ quên đối với bản thân tôi,” bà Linh bùi ngùi xúc động kể lại.

Ông Nguyễn Văn Công vui vẻ tiếp lời: "Những cây cầu mới xây dựng không chỉ tác dụng với những người đang sống mà cả với những người đã chết. Có những nơi, các bô lão trong trang phục khăn đóng, áo dài sai con cái dắt đến dự khánh thành cầu đã mãn nguyện nói 'từ nay yên tâm nhắm mắt' vì biết rằng sau này nếu bản thân 'nằm xuống' xe hòm (chở áo quan) sẽ không phải khiêng tay, lội đồng đến nơi chôn cất.''

Niềm hân hoan, hạnh phúc của những người dân vùng sâu, vùng xa trong những ngày khánh thành cầu không chỉ là nguồn vui mà còn là động lực tinh thần to lớn để ông Công, bà Linh cùng các thành viên nhóm VK từ 10 người ban đầu dần tăng lên tới trên 200 người, kiên trì, nỗ lực trong 17 năm qua để tạo nên 270 cây cầu “kết nối những bờ vui.”

Lan tỏa ngọn lửa nhân văn

Trong  những năm qua, thông qua các chương trình dự án phát triển giao thông nông thôn của Chính phủ và các bộ, ngành, hàng chục nghìn cây cầu kiên cố được xây dựng, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với đặc điểm địa hình chằng chịt sông ngòi, kênh rạch nhu cầu về cầu nông thôn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các điểm dân cư nhỏ tại các ấp, thôn vẫn còn rất lớn.

Chỉ riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hệ thống sông, ngòi, kênh rạch lên tới khoảng 30.000km. Dân cư sinh sống dọc những con sông, kênh, rạch và quen với nguyên tắc giao thông đã có từ bao đời “ cây cầu là đầu con lộ.” Việc xóa bỏ những cây cầu” khỉ,” cầu tạm là một nhu cấp cấp thiết của người dân, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế, nâng cao dân trí và mức sống người dân mà còn là một biểu tượng của sự vươn lên, kết nối giữa quá khứ và tương lai.

Sau 17 năm thực hành xây dựng cầu tại các địa phương với nhiều đặc điểm địa hình đa dạng, đến nay, nhóm VK đã xây dựng được một mô hình thi công cầu nông thôn chuyên biệt, phù hợp với thực tế địa hình phức tạp của các vùng sâu, vùng xa tại Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên. Phương pháp kỹ thuật xây dựng cầu của nhóm VK được vận dụng từ kiến thức xây dựng cầu hiện đại kết hợp với những vận dụng sáng tạo kinh nghiệm phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Công (phải) và bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (trái), những người sáng lập nhóm VK tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt huyết với hoạt động thiện nguyện xây cầu nông thôn. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tại vùng sông nước miền Tây Nam bộ, các cây cầu VK được thiết kế với trụ cầu thi công bằng kỹ thuật cọc nhồi. Cọc được đóng sâu xuống bùn, tới lớp cát, đất ổn định có khi từ 8-16m, vừa đảm bảo cho cầu vững chắc và có tính thẩm mỹ. Toàn bộ thiết bị khoan, nhồi cọc được lắp đặt trên xuồng, đảm bảo di chuyển đến tất cả những địa điểm xây cầu, kể cả những nơi không có đường giao thông. “Đây là một chuẩn kỹ thuật thi công mang đầy tính sáng tạo và hiệu quả cả về kỹ thuật lẫn kinh tế mà không một trường đại học xây dựng nào dạy cho sinh viên,” kỹ sư Nguyễn Văn Công tự hào cho biết.

Hiện nay, nhóm VK đang tiếp nhận hơn 500 đề nghị xây dựng cầu nông thôn tại các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Các dự án này sẽ được triển khai trong tương lai, sau khi hoàn tất nguồn tài chính từ vận động tài trợ. Tuy nhiên, các dự án sau này sẽ do những thiện nguyện viên trẻ đảm nhiệm. “Họ là những “VK 2.0,” trẻ trung đầy nhiệt huyết. Thế hệ VK sáng lập nay đều đã già yếu, thậm chí đã nhiều thành viên không còn nữa. Tuy lòng quyết tâm vẫn tràn đầy nhưng quỹ thời gian không còn nhiều, sức lực cũng hạn chế,” ông Nguyễn Văn Công cho biết.

Chung một niềm suy nghĩ, bà Mỹ Linh cho biết bên cạnh nguồn lực từ kiều bào, hiện nay cần phải huy động, tận dụng nguồn lực từ giới trí thức, nhà hảo tâm trong nước vốn cũng rất nhiệt tâm và giàu tiềm năng thực hiện các chương trình thiện nguyện.

“Chúng tôi không mong muốn gì hơn là những việc làm của nhóm VK như một mồi lửa nhỏ nhoi ban đầu sẽ được tiếp lửa cho thế hệ sau này. Những chiếc cầu VK đã xây không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống mà sẽ tạo nên hiệu ứng khơi gợi bùng cháy ý thức của xã hội hướng đến những người dân còn khó khăn trong cuộc sống như khẩu hiệu của nhóm VK là-Vì cộng đồng một lòng chung tay,” bà Mỹ Linh trầm ngâm chia sẻ.

Những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nhóm VK đã tạo nên sự lan tỏa, thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng. Từ 10 người sáng lập viên, nay nhóm VK đã lên tới hàng trăm người. Thế hệ VK 2.0 cũng đã sẵn sàng tiếp nhận hoạt động chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xây dựng cầu nông thôn để tiếp tục sứ mệnh của nhóm VK đã khởi xướng.

Ông Lê Phan Khôi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại-sản xuất Tân Hóa (INNOCHEMS), quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, người sẽ tiếp quản phần công việc còn dang dở của kỹ sư Nguyễn Văn Công, cho biết là một người sinh ra từ vùng sông nước miền Tây, ông Khôi rất thấu hiểu sự cần thiết và nỗi mong chờ của người dân về những cây cầu dân sinh. Những việc làm thấm đẫm tình người của các bác, các chú nhóm VK đã thôi thúc anh tham gia với mong muốn chia sẻ yêu thương và đóng góp cho cộng đồng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Có thể nói, qua thực tế, việc xây dựng cầu nông thôn có giá trị đóng góp xã hội lớn hơn, thực tiễn và bền vững hơn so với một số hoạt động thiện nguyện khác.

Ông Lê Phan Khôi khẳng khái: “Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận và sẽ nỗ lực để tiếp tục chuyển tải những thông điệp giàu lòng nhân ái của thế hệ khởi xướng nhóm VK vào thực tế cuộc sống. Tất cả vì mục tiêu chia sẻ yêu thương-điểm tô cuộc sống, giúp người dân nâng cao đời sống qua những cây cầu. Chúng tôi hy vọng, bằng nhiệt huyết của thế hệ trẻ, tinh thần vô tư tận tâm vì cộng đồng, ngọn lửa yêu thương của các bác, các anh sáng lập nhóm VK sẽ tiếp tục cháy mãi, trở thành những ngọn lửa lan tỏa khắp nơi, bùng cháy lòng yêu nước, yêu đồng bào trong cộng đồng dân tộc”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục