Sáng 2/10 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Kiến trúc Hà Nội với chủ đề “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng.”
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hội thảo đã thu hút nhiều kiến trúc sư trong nước và các nước như Pháp, Nhật Bản, Italy, Đức, Australia.
Tại Hội thảo, 15 tham luận của các kiến trúc sư, chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào các vấn đề nhìn nhận, đánh giá kiến trúc đương đại Hà Nội hai mươi năm qua; thách thức giữa bảo tồn và phát triển kiến trúc đương đại; giới thiệu và tôn vinh những công trình mới, góp phần tạo dựng diện mạo Thủ đô; kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng đô thị hiện đại và có bản sắc; định hướng phát triển kiến trúc Hà Nội thế kỷ 21...
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Thăng Long-Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam kết hợp với tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, tinh hoa của nhân loại; là đô thị đa tầng, đa hệ, chứa đựng trong mình bao ký ức, bao di sản di tích kiến trúc-văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Trong quá trình xây dựng và đô thị hóa, không gian kiến trúc đô thị Hà Nội không ngừng thay đổi theo hướng văn minh hiện đại, nhưng vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Thảo, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt trong 20 năm đổi mới, không gian đô thị Hà Nội đã và đang bị biến dạng, bản sắc kiến trúc đặc trưng đang bị lấn át trước sức ép của nền kinh tế thị trường và xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế.
Đồng quan điểm trên, trong tham luận tổng quan “Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng”, giáo sư-tiến sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Châu, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc nhấn mạnh, qua mười thế kỷ dựng xây, phát triển, lúc thăng, lúc trầm, kiến trúc-quy hoạch Hà Nội mang những dấu ấn đặc trưng riêng.
Kiến trúc gắn bó hữu cơ với mạng lưới sông hồ, cây xanh; quy hoạch - kiến trúc mang dấu ấn rõ nét của chiều tiếp biến lịch sử, xét về tổng thể cơ bản là hài hòa, tương hỗ nhau; quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh, xóa nhòa ranh giới nội đô và vùng nông thôn lân cận.
Trước xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và sự phát triển mọi mặt, kiến trúc đô thị Việt Nam đang đứng trước những thời cơ mới, những thách thức mới. Hàng loạt vấn đề tồn tại thành những cặp phạm trù rất khó giải quyết như bảo tồn và phát triển, cải tạo và phát triển, cân bằng và sinh thái, hiện đại và bản sắc...
Theo quan điểm của kiến trúc sư Nguyễn Chí Tam, Công ty Kiến trúc Highend (Pháp), cần xây dựng Hà Nội trên nền tảng Hà Nội. Đó là xây dựng một thành phố hiện đại trên chữ “hơn”: Thân thiện hơn, xanh hơn, chào đón hơn, khát vọng hơn, trách nhiệm hơn, thịnh vượng hơn, đẹp hơn, hiệu quả hơn...
Còn kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cho rằng quá trình phát triển gần đây của Hà Nội là sự quay trở về sáng tạo, một sự trở về riêng biệt và hiện đại của Hà Nội hướng về lịch sử và di sản đô thị. Vượt qua những thăng trầm của lịch sử, rõ ràng là những con người đã cư trú và điều hành thành phố, cuối cùng đã xây dựng lại và thường xuyên cải tạo, làm thành phố trở về với chính nó, ngày một đổi mới tuy vẫn đồng dạng.
Từ kinh nghiệm nước ngoài trong việc xây dựng đô thị hiện đại, có bản sắc, kiến trúc sư Lawrie Wilson (Australia) cho rằng, một điều rất cần thiết là việc quản lý kiến trúc Hà Nội của chính quyền thành phố phải được định hướng để đảm bảo thành phố vẫn gìn giữ và phát huy được nét đặc trưng đô thị của mình. Nó được thể hiện qua cách thức mà các công trình riêng lẻ kết hợp hài hòa về vẻ ngoài, tính chất và chức năng với các khu vực xung quanh và đặc biệt là kết hợp với nhau trên mặt phố. Đó chính là kiến trúc của không gian công cộng...
Qua hội thảo này, “Hội kiến trúc sư Việt Nam sẽ tổng hợp được nhiều ý kiến hay, nhiều giải pháp khả thi và mới mẻ, để giúp cho thành phố có các biện pháp tốt hơn, hiệu quả hơn trong công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc, quản lý đô thị để Hà Nội luôn xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững và giàu bản sắc,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo mong muốn./.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hội thảo đã thu hút nhiều kiến trúc sư trong nước và các nước như Pháp, Nhật Bản, Italy, Đức, Australia.
Tại Hội thảo, 15 tham luận của các kiến trúc sư, chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào các vấn đề nhìn nhận, đánh giá kiến trúc đương đại Hà Nội hai mươi năm qua; thách thức giữa bảo tồn và phát triển kiến trúc đương đại; giới thiệu và tôn vinh những công trình mới, góp phần tạo dựng diện mạo Thủ đô; kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng đô thị hiện đại và có bản sắc; định hướng phát triển kiến trúc Hà Nội thế kỷ 21...
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Thăng Long-Hà Nội là Thủ đô có bề dày lịch sử nghìn năm, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam kết hợp với tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, tinh hoa của nhân loại; là đô thị đa tầng, đa hệ, chứa đựng trong mình bao ký ức, bao di sản di tích kiến trúc-văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Trong quá trình xây dựng và đô thị hóa, không gian kiến trúc đô thị Hà Nội không ngừng thay đổi theo hướng văn minh hiện đại, nhưng vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Thảo, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt trong 20 năm đổi mới, không gian đô thị Hà Nội đã và đang bị biến dạng, bản sắc kiến trúc đặc trưng đang bị lấn át trước sức ép của nền kinh tế thị trường và xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế.
Đồng quan điểm trên, trong tham luận tổng quan “Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội: Những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng”, giáo sư-tiến sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Châu, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc nhấn mạnh, qua mười thế kỷ dựng xây, phát triển, lúc thăng, lúc trầm, kiến trúc-quy hoạch Hà Nội mang những dấu ấn đặc trưng riêng.
Kiến trúc gắn bó hữu cơ với mạng lưới sông hồ, cây xanh; quy hoạch - kiến trúc mang dấu ấn rõ nét của chiều tiếp biến lịch sử, xét về tổng thể cơ bản là hài hòa, tương hỗ nhau; quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh, xóa nhòa ranh giới nội đô và vùng nông thôn lân cận.
Trước xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và sự phát triển mọi mặt, kiến trúc đô thị Việt Nam đang đứng trước những thời cơ mới, những thách thức mới. Hàng loạt vấn đề tồn tại thành những cặp phạm trù rất khó giải quyết như bảo tồn và phát triển, cải tạo và phát triển, cân bằng và sinh thái, hiện đại và bản sắc...
Theo quan điểm của kiến trúc sư Nguyễn Chí Tam, Công ty Kiến trúc Highend (Pháp), cần xây dựng Hà Nội trên nền tảng Hà Nội. Đó là xây dựng một thành phố hiện đại trên chữ “hơn”: Thân thiện hơn, xanh hơn, chào đón hơn, khát vọng hơn, trách nhiệm hơn, thịnh vượng hơn, đẹp hơn, hiệu quả hơn...
Còn kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cho rằng quá trình phát triển gần đây của Hà Nội là sự quay trở về sáng tạo, một sự trở về riêng biệt và hiện đại của Hà Nội hướng về lịch sử và di sản đô thị. Vượt qua những thăng trầm của lịch sử, rõ ràng là những con người đã cư trú và điều hành thành phố, cuối cùng đã xây dựng lại và thường xuyên cải tạo, làm thành phố trở về với chính nó, ngày một đổi mới tuy vẫn đồng dạng.
Từ kinh nghiệm nước ngoài trong việc xây dựng đô thị hiện đại, có bản sắc, kiến trúc sư Lawrie Wilson (Australia) cho rằng, một điều rất cần thiết là việc quản lý kiến trúc Hà Nội của chính quyền thành phố phải được định hướng để đảm bảo thành phố vẫn gìn giữ và phát huy được nét đặc trưng đô thị của mình. Nó được thể hiện qua cách thức mà các công trình riêng lẻ kết hợp hài hòa về vẻ ngoài, tính chất và chức năng với các khu vực xung quanh và đặc biệt là kết hợp với nhau trên mặt phố. Đó chính là kiến trúc của không gian công cộng...
Qua hội thảo này, “Hội kiến trúc sư Việt Nam sẽ tổng hợp được nhiều ý kiến hay, nhiều giải pháp khả thi và mới mẻ, để giúp cho thành phố có các biện pháp tốt hơn, hiệu quả hơn trong công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc, quản lý đô thị để Hà Nội luôn xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững và giàu bản sắc,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo mong muốn./.
Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)