Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký một số Quyết định về phân công Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền và kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao.
Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền
Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 18/10/204, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiền.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/10/2024.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế, giải pháp về phòng, chống rửa tiền; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá công tác phòng, chống rửa tiền trên lãnh thổ Việt Nam.
Ban Chỉ đạo cũng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) và kế hoạch tiến tới thực hiện đầy đủ 40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động phòng, chống rửa tiền, kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia theo từng thời kỳ và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
Kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 17/10/2024 về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao.
Theo Quyết định trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao (Ủy ban).
Phó Chủ tịch gồm: Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế (Thường trực); bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các Ủy viên của Ủy ban gồm: Ông Lê Văn Khảm, Ủy viên thường trực, Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam; ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Đinh Văn Lượng, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ (Ủy viên kiêm Thư ký).
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17/10/2024; thay thế Điều 1 Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban là nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chiến lược, phương hướng, giải pháp, chương trình hành động để giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.
Ủy ban giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối các bộ, cơ quan, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao trên phạm vi toàn quốc; đôn đốc các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chương trình hành động và các hoạt động liên quan đến phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030; định kỳ, đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Ủy ban Quốc gia./.
Phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính
Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện sẽ làm phát sinh những rủi ro đi kèm như mất an toàn, an ninh thông tin, tội phạm công nghệ cao, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố...