Những chuyển biến sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và 5 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế là không thể phủ nhận, song, vẫn còn đó không ít tồn tại cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ, căn bản và quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 ngành nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn nhìn nhận “sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW vẫn còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu. Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW mà mới chỉ tập trung vào việc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”
Đến hết tháng 2/2020, tính chung kết quả sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã giảm 11% so với năm 2015 (vượt mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến năm 2021 tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập).
Tuy nhiên, con số này chủ yếu là nhờ số giảm của các địa phương với tỷ lệ giảm đạt 11,12%, còn các bộ, ngành mới giảm 4,82% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.
[Cải cách tổ chức bộ máy: ''5 giảm'' ở bộ máy hành chính cấp tỉnh]
Vì vậy, trong năm 2021, các bộ, ngành phải giảm ít nhất 5,18% (xấp xỉ 57 đơn vị) để đạt mục tiêu giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.
Vẫn còn không ít địa phương khó cắt giảm biên chế công chức và tinh giản số lượng người làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập, chẳng hạn như thành phố Hải Phòng.
Theo kế hoạch, trong hai năm 2020-2021, địa phương này phải cắt giảm 1.276 biên chế. Nếu không có chính sách phù hợp và cách làm đồng bộ, Hải Phòng sẽ khó đảm bảo được mục tiêu tinh giản biên chế trong giai đoạn 2015-2021 gắn với yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp còn nhiều khó khăn do một số luật chuyên ngành có quy định cụ thể về tổ chức bộ máy. Cơ chế, chính sách khuyến khích việc sắp xếp tinh gọn tổ chức, biên chế chưa phù hợp, thiếu mạnh mẽ.
Việc phân bổ kinh phí thường xuyên theo biên chế chưa gắn với kết quả và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị là một trong những nguyên nhân làm tăng biên chế.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thiếu thường xuyên; chưa xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho thấy một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa kiên quyết, tập trung thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc còn có tư tưởng chờ đợi kết quả của các bộ, ngành, địa phương khác rồi mới triển khai thực hiện theo.
Tổ chức bộ máy tuy đã được sắp xếp, kiện toàn nhưng vẫn còn cồng kềnh. Một số nhiệm vụ của các bộ, cơ quan phân định chưa được rõ, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới. Xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.
"Việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm chưa được triển khai đồng bộ. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Một trong những tồn tại lớn hiện nay, đó là sau sắp xếp huyện, xã, vẫn còn dôi dư 9.534 cán bộ, công chức và 6.913 người hoạt động không chuyên trách không biết đi đâu, về đâu.
Là địa phương đi đầu trong thực hiện sắp xếp huyện, xã, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng thừa nhận, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư còn nhiều, toàn tỉnh còn 450 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ.
Tương tự, Hà Tĩnh còn dôi dư 265 người (96 cán bộ, 144 công chức, 25 người hoạt động không chuyên trách cấp xã) và việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Quốc Chung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, cho hay tổng số cán bộ, công chức cần sắp xếp ở tỉnh này là 715 người, đã bố trí được ngay 310, còn dôi dư 405 người.
Địa phương đang tiến hành bố trí cho số cán bộ dôi dư này, trong đó, giải quyết cho nghỉ hưu, thôi việc, luân chuyển 107 người, còn phải giải quyết tiếp cho 298 người. Yêu cầu đến hết năm 2021 phải giải quyết xong cho số cán bộ dôi dư là rất khó khăn.
Giám đốc Sở Nội vụ Phú Thọ Ngô Đức Thịnh thông tin sau sáp nhập, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư 856 người. Nếu thực hiện đưa Công an chính quy về xã và thực hiện theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), số dôi dư sẽ lên đến hơn 1.000 người. Điều này sẽ không thể giải quyết xong trong năm 2021.
Không nên để bộ máy bên trong nhiều tầng nấc
“Bộ máy tổ chức Chính phủ phải nghiên cứu có cải cách phù hợp, làm sao vừa tinh gọn, vừa hiệu lực, hiệu quả, đồng thời không bỏ sót nhiệm vụ. Nhưng quan trọng hơn là bộ máy bên trong phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo, quan hệ phối hợp một cách nhuần nhuyễn, nhanh chóng. Không nên để bộ máy bên trong quá nhiều cồng kềnh, tầng nấc,” yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đưa ra tại Hội nghị của ngành Nội vụ mới đây.
Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV sắp kết thúc. Việc hoàn thiện Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khóa mới theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ, của từng cấp chính quyền địa phương nhằm khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận là rất cần thiết.
Đi liền với đó là đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế; không quy định cào bằng trong thực hiện tinh giản biên chế; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, làm tốt công tác tư tưởng đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, căn cứ, trình tự, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định và điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, biên chế công chức; về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Báo cáo số 453/BC-CP của Chính phủ cho thấy, về phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, tuy đã khắc phục được 14/21 vấn đề đặt ra từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV nhưng đến nay vẫn có 20 vấn đề giao thoa hoặc có sự phân công, phối hợp quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, gồm 7 vấn đề còn tồn đọng từ khóa XIII và phát sinh 13 vấn đề trong nhiệm kỳ khóa XIV do các luật chuyên ngành quy định cần phải tiếp tục phân định rõ hơn.
“Vấn đề này tiếp tục được nghiên cứu trong Đề án Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV theo hướng tinh gọn, hợp lý hơn, bảo đảm không làm tăng số lượng bộ, cơ quan ngang bộ so với khóa XIV. Đồng thời, tiếp tục rà soát, phân công rõ chức năng của từng cơ quan, bảo đảm một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp; khắc phục chồng chéo, giao thoa về nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý giữa các bộ, ngành và tinh gọn cơ cấu tổ chức,” báo cáo nêu rõ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Nội vụ xác định trong năm 2021, đó là chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định của Chính phủ và phù hợp với cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, các vụ (ban) tổ chức cán bộ cần tham mưu cho lãnh đạo bộ, ngành thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy các cơ quan bên trong theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ; quản lý chặt chẽ biên chế, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế.
Sở Nội vụ các địa phương sắp xếp lại cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục tham mưu sắp xếp lại tổ chức bên trong; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện vị trí việc làm để làm cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách chính sách tiền lương; tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố./.