Kiến tạo sức sống mới cho sản phẩm thổ cẩm Tây Nguyên

Các bộ sưu tập trong chương trình “Ban Mê ơi...” đã tái hiện đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với các hoạt cảnh dệt thổ cẩm, làm gốm, biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Trình diễn các bộ sưu tập thời trang thổ cẩm. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Thổ cẩm Tây Nguyên được làm bởi đôi bàn tay khéo léo và tinh tế của những người phụ nữ dân tộc là sản phẩm độc đáo và đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mang lại sức sống mới, góp phần đưa thổ cẩm vươn xa, nhiều hoạt động hỗ trợ, tôn vinh thổ cẩm được các đơn vị, địa phương liên tục tổ chức.

Ngày 15/7, Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk với tên gọi “Ban Mê ơi...” diễn ra trong khung cảnh hùng vĩ của thác nước Dray Nur (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) đã để lại nhiều cảm xúc.

Nhiều diễn viên, ca sỹ, người mẫu, nghệ sỹ múa, nghệ nhân người dân tộc thiểu số… đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk đã tham gia trình diễn các bộ sưu tập thời trang thổ cẩm của các nhà thiết kế Việt như Minh Hạnh, Trung Beret, Nguyễn Thúy, Công Huân, Cao Duy.

Các bộ sưu tập đã tái hiện đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với các hoạt cảnh dệt thổ cẩm, làm gốm, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; đưa người xem như trở về thời kỳ xa xưa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, “Ban Mê ơi...” còn đưa người xem đến với đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thông qua các hoạt cảnh dệt thổ cẩm, làm gốm, đan lát, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, các điệu múa dân gian Tây Nguyên.

Chương trình này không chỉ góp phần giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, mà còn quảng bá trang phục truyền thống và xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Vải thổ cẩm Tây Nguyên là sản phẩm vải độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Ê đê, Ba Na, Cơ Ho, Xơ Đăng. Mỗi dân tộc hoa tiết thổ cẩm sẽ khác nhau, cách phối màu cũng không giống nhau. Đặc trưng vải thổ cẩm sẽ có những họa tiết như chim, ba ba, cồng chiêng, ngà voi với sự pha trộn màu sắc đa dạng.

[Bảo tồn, phát huy nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar]

Các dân tộc ở Tây Nguyên trước đây dùng sợi bông làm nguyên liệu dệt thổ cẩm. Bông sau khi thu hoạch về được đánh tơi, kéo sợi rồi nhuộm màu bằng bùn, lá, củ, rễ hoặc vỏ cây rừng. Sau đó, họ chuẩn bị đủ sợi bông đã nhuộm màu và phơi khô, màu nền, các màu để tạo ra hoa văn, chuẩn bị khung giăng sợi và khung dệt.

Trải qua quá trình sinh hoạt, lao động, đồng bào các dân tộc thiểu số đã sáng tạo nên loại vải thổ cẩm để làm nên những bộ trang phục không chỉ che thân mà còn làm dáng. Từ đó trang phục nói chung, vải thổ cẩm nói riêng trở thành thành tố văn hóa mang nhiều giá trị của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Chỉ cần nhìn vào trang phục, chỉ cần nhìn vào kiểu dáng, màu sắc, hoa văn thấm nhuần các giá trị văn hóa truyền thống, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác.

Nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Hiện nay, các dân tộc ở Tây Nguyên đã sử dụng các chất liệu mới và ứng dụng công nghệ vào dệt thổ cẩm, cách tân để tạo nên những sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng, mang lại nguồn thu nhập. Thổ cẩm đã và đang tìm lại chỗ đứng, không bó buộc trong phạm vi buôn làng mà đã kết hợp với du lịch, sáng tạo thành sản phẩm ở lĩnh vực thời trang, đồ lưu niệm, nội thất… tạo nên sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm.

Theo Ban Tổ chức chương trình “Ban Mê ơi...”, để thổ cẩm sống mãi, cùng với khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ trẻ, chính quyền địa phương cần chú trọng mở lớp dạy nghề, thành lập các tổ hợp thổ cẩm và tăng cường quảng bá rộng rãi những sản phẩm thủ công truyền thống mang giá trị văn hóa đặc sắc.

Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh việc khai thác và phát huy các làng nghề thổ cẩm truyền thống theo hướng phục vụ du lịch, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ số trong sản xuất để sản phẩm thổ cẩm có tính ứng dụng cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục