Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. (Ảnh: Vietnam+)
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. (Ảnh: Vietnam+)

Kiến tạo môi trường thuận lợi: Chính phủ sát cánh cùng doanh nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định quyết tâm đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá và kêu gọi đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Ngày 4/10, tại buổi gặp mặt Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những hiện trạng, thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng truyền đi thông điệp xuyên suốt về cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đồng hành, kiến tạo môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp Việt Nam vững vàng "vươn mình" trong kỷ nguyên mới.

doanh nghiệp lớn mạnh cùng đất nước

Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự trân trọng và gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.

IMG_9224.JPG
Cả nước đang có hơn 930 nghìn doanh nghiệp, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ trưởng nhấn mạnh trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và luôn ý thức kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao tự lực, tự cường, cống hiến cho dân tộc. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng, cả nước đang có hơn 930 nghìn doanh nghiệp, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Họ chính là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động và 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

DSC_3583.JPG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Vietnam+)

Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng của năm, vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, lũy kế thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 85% dự toán, tăng xấp xỉ 18% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt hơn 577 tỷ USD và tăng 16,2%, trong đó xuất siêu đạt 21,5 tỷ USD. Đáng chú ý, khu vực sản xuất công nghiệp ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng và đóng vai trò động lực tăng trưởng quan trọng.

Nhấn mạnh những kết quả khả quan này có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

z4437799364318_1b4467b04c0b3a7994f01547746eca52 (1).jpg
Lũy kế thu ngân sách Nhà nước trong chín tháng của năm ước đạt trên 85% dự toán, tăng xấp xỉ 18% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)

Kỷ nguyên vươn mình

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện hầu hết doanh nghiệp vẫn còn quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao. Năng lực quản trị, tầm nhìn chiến lược của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp chưa được phát huy tối đa. Khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá; đặc biệt một bộ phận doanh nhân vẫn còn hạn chế về đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm xã hội.

DSC_3612.JPG
Doanh nghiệp không thể "ngủ yên" trên chiến thắng mà cần phải chủ động thích ứng, đổi mới để tồn tại và phát triển bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi không ngừng với sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới, sự dịch chuyển dòng vốn và thay đổi cấu trúc thương mại toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh doanh nghiệp không thể "ngủ yên" trên chiến thắng mà cần phải chủ động thích ứng, đổi mới để tồn tại và phát triển bền vững.

Đất nước đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa khát vọng này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị một tâm thế để sẵn sàng bước vào "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam," như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, “vươn mình” nghĩa là phải thay đổi tư duy và cách làm. Việt Nam không chỉ tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ phát triển ngành nghề truyền thống mà phải hướng tới các ngành công nghiệp tiên phong, công nghệ cao. Không chỉ dựa vào vốn, tài nguyên mà phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra những định hướng và giải pháp then chốt, tập trung vào ba nhóm đối tượng. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước đồng hành, kiến tạo mà cụ thể là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo sự công bằng, minh bạch. Chính sách hoàn thiện thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, luật lệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi. Điểm nhấn quan trọng nữa đó là đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, đào tạo, xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Công ty CP Dược phẩm Vĩnh Phúc (3).jpg
Doanh nghiệp không thể "ngủ yên" trên chiến thắng mà cần phải chủ động thích ứng, đổi mới để tồn tại và phát triển bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp đại diện tiếng nói doanh nghiệp, đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, phản ánh kịp thời, chính xác những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp tới cơ quan quản lý Nhà nước. Mặt khác, các hiệp hội còn phải hỗ trợ doanh nghiệp hội viên thông qua tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức; đặc biệt là thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, xây dựng các mạng lưới vững mạnh.

Nhấn mạnh lực lượng nòng cốt vẫn là cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi các doanh nhân chủ động đổi mới, sáng tạo; trong đó tư duy kinh doanh cần phải đổi mới với các mô hình hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Để làm được những điều này, thì việc hợp tác, liên kết, chia sẻ là then chốt. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị, tạo sức mạnh tổng thể.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, đặc biệt là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.

Theo Bộ trưởng, trong kỷ nguyên mới, đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, hợp tác để "vươn mình," xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Chính phủ cam kết sẽ luôn đồng hành, kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của đất nước./.

VNP_Nha may Loc dau Dung Quat.jpg
Chính phủ cam kết sẽ luôn đồng hành, kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. (Ảnh: Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục