Kiến tạo các không gian sáng tạo độc đáo, mới lạ cho Hà Nội

18 phương án thiết kế các không gian sáng tạo xuất sắc được lựa chọn cho thấy thành phố Hà Nội đang đứng trước một cơ hội lớn để hình thành nên bản sắc mới từ việc phát triển các không gian sáng tạo.
Không gian con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân vào ban đêm. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong quá trình Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa các sáng kiến khi chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, việc thúc đẩy hình thành các không gian sáng tạo được coi là một trong những mấu chốt quan trọng.

Đầu tháng 9 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc cùng các đơn vị liên quan đã công bố 18 phương án thiết kế các không gian sáng tạo xuất sắc được lựa chọn từ 93 phương án dự thi Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, cho thấy thành phố đứng trước một cơ hội lớn để hình thành nên bản sắc mới từ việc phát triển các không gian sáng tạo.

Ý tưởng độc đáo, giải pháp mới mẻ

Phương án “Quận nghệ thuật sông Hồng” của kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh và các cộng sự có sức thuyết phục cao đối với mọi người bởi tính độc đáo, mới lạ và kỳ vọng tạo sự đột phá trong sáng tạo.

Với diện tích 5ha, khu vực bãi bồi ven sông Hồng thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, có chất lượng sống khá thấp, hoàn toàn có thể biến thành một quận nghệ thuật hướng tới xu thế không gian xanh, với hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà đến không gian ngoài trời là nghệ thuật và sáng tạo.

Cùng với ý tưởng này, những giải pháp quy hoạch, kiến trúc được xây dựng hợp lý, nhờ đó không gian và bộ mặt đô thị gắn với dòng sông Hồng thay đổi rõ rệt.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh mong mỏi trung tâm của khúc sông Hồng có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, nơi tất cả những ý tưởng, sáng tạo được hội tụ lại, giao thoa với nhau, được giới thiệu với đông đảo các tầng lớp trong và ngoài nước thì đó sẽ trở thành một cực phát triển rất hiệu quả.

[Hình thành hệ sinh thái sáng tạo, bản sắc mới của thủ đô Hà Nội]

Trên cơ sở các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng có thể khai thác, tổ chức thành không gian sáng tạo, một nhóm tác giả đã xây dựng phương án “Quận đường tàu 4.0” khi nhận thấy tiềm năng tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm rất lớn.

Đây sẽ là nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các Start-up về công nghệ với nhau, cũng như kết nối đến người tiêu dùng, họ có thể là sinh viên, các nhà đầu tư, khách du lịch… Gìn giữ di sản công nghiệp cũng là một yêu cầu được đặt ra, "Quận đường tàu 4.0" làm cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm mang một bộ mặt mới năng động, thú vị hơn, không bị rơi vào quên lãng.

Hay phương án "Con đường nghệ thuật Hà Nội" là không gian văn phòng sáng tạo của liên danh giữa Công ty CP Tư vấn đầu tư và kiến trúc AVANT và Công ty trách nhiệm hữu hạn Arb Vietnam.

Thiết kế đề xuất thay đổi cách tổ chức không gian phụ trợ hành lang, kỹ thuật phụ trợ ở văn phòng truyền thống thành một tuyến đường dạo “chảy” trong lòng công trình, đưa các hoạt động công cộng vào không gian mở tầng 1 và tầng hầm 1 len lỏi vào các tầng lên đến vườn cộng đồng trên mái.

Phương án “Hà Nội phố cổ nghìn năm văn hiến” của Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Thành Đức lấy cảm hứng từ quá trình phát triển đặc biệt của phố cổ Hà Nội với những “khoảng trống” bị xen lẫn một cách lộn xộn bởi quá trình đô thị hóa, tạo hình ảnh giữa hai giá trị cũ và mới cùng tồn tại song song.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, khi xây dựng phương án tổ chức các không gian sáng tạo, những đặc điểm, giá trị cốt lõi của các địa điểm đó đều được bảo tồn, những nhân tố mới được bổ sung, lồng ghép một cách hữu cơ, nhuần nhuyễn tạo nên một luồng sinh khí mới cho địa điểm và khu vực đó.

Tiến sỹ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, phần lớn các giải pháp được đề xuất trên cơ sở cải tạo, chuyển đổi chức năng không gian, phát huy các giá trị vốn có, khai thác được không gian trở thành những không gian sáng tạo cho cộng đồng, cho thành phố.

Những phương án đã đề xuất ý tưởng độc đáo, giải pháp mới mẻ, ngôn ngữ tạo hình hiện đại, đặc biệt chú ý đến tính khả thi thực tế, độ gắn kết với văn hoá và môi trường. Đây đều là những tâm huyết của các tác giả, thể hiện tình yêu của họ đối với Hà Nội, muốn đóng góp công sức, trí tuệ cho Thủ đô.

Thúc đẩy hiện thực hóa các phương án

Không gian sáng tạo được coi là nhân tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, tại Hà Nội với khoảng trên 60 không gian sáng tạo, tập trung ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế, thủ công… đều hoạt động tự do, có quy mô nhỏ.

Người dân thủ đô chụp ảnh lưu niệm tại phố Bích họa Phùng Hưng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Gần hai năm tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố cũng đặt nhiều kỳ vọng vào việc phát triển các không gian sáng tạo nhằm hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc tổ chức Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội nhằm huy động các sáng kiến, giải pháp xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo, văn hóa, qua đó đánh thức tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn.

Cuộc thi là một trong những hoạt động góp phần truyền cảm hứng, tìm ra những giá trị mới, tạo nên động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo phát triển. Chính vì vậy, cuộc thi đã thu hút được đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo tham gia, đề xuất nhiều ý tưởng hay.

Quan trọng hơn, việc hiện thực hóa các ý tưởng để hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo sau cuộc thi ra sao, thành phố đầu tư phát triển các không gian sáng tạo thế nào, mới là điều mọi người hướng tới.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào khẳng định các phương án đều cho thấy sự đóng góp tâm huyết và giàu sáng tạo của lực lượng kiến trúc sư trẻ, với những ý tưởng mới mẻ, khả thi, tạo được những giá trị mới, công năng mới, đóng góp những không gian sáng tạo cho thành phố.

“Là một kiến trúc sư, tôi thực sự mong chờ những ý tưởng đó sớm được các cơ quan chức năng quan tâm và kết hợp lập dự án có tính khả thi, biến ý tưởng thành hiện thực, xây dựng những không gian thiết thực cho Hà Nội” - kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, kiến trúc sư Lê Thành Vinh cho rằng các phương án dự thi đã cân nhắc đến các yếu tố thực tế của điều kiện kinh tế, xã hội của khu vực được chọn, có tính khả thi, hoàn toàn có thể thực hiện được trên thực tế. Vì vậy, đây không chỉ là những đồ án tham dự một cuộc thi mà hoàn toàn có thể chuyển thành những dự án thực tế khi có chủ trương và kế hoạch tương ứng, phù hợp.

Đối với hạng mục bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc quy hoạch truyền thống, nếu thực hiện được sẽ đạt mục tiêu kép, vừa bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội, vừa tạo ra những giá trị, sắc thái mới cho những không gian truyền thống, hỗ trợ và thích ứng với sự phát triển của thành phố theo hướng năng động, bền vững, giàu bản sắc.

Tiến sỹ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định những phương án được lựa chọn để trao giải có một điểm chung là đặc biệt chú ý đến tính khả thi thực tế, độ gắn kết với văn hoá và môi trường, có những phương án có thể triển khai dự án xây dựng được ngay.

Sau khi kết thúc cuộc thi, Hội đồng giám khảo cuộc thi sẵn sàng trao đổi thêm với các tác giả và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thể thi công thực tế các công trình này khi có điều kiện.

Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các không gian sáng tạo.

Đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo tại Thủ đô kỳ vọng những ý tưởng tổ chức không gian sáng tạo thông qua Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội sẽ sớm được hiện thực hóa, để thành phố xứng đáng trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực Đông Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục