Kiên quyết không để tình trạng giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu

Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và tâm lý, tình cảm, đời sống nhân dân.
Vòng xoay Đài liệt sỹ Vũng Tàu vắng lặng trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và tâm lý, tình cảm, đời sống nhân dân.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/9 với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến phát biểu của các địa phương, các Thành viên Ban chỉ đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, đặc biệt sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã đoàn kết, tương thân, tương ái, lo toan cho cộng đồng của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch.

[TP.HCM lên kế hoạch cho người dân sử dụng thẻ xanh COVID sau ngày 15/9]

Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ sự mất mát về người, sức khỏe, của cải, vật chất của nhân dân do dịch.

Công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta, nhất là việc kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất với phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện tại các địa phương, đặc biệt là phương châm xây dựng xã, phường, thị trấn là các “pháo đài,” lấy người dân là “chiến sỹ.”

Đến ngày 5/9/2021, trong số các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội: có 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch (Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên); 11 địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch (Thành phố Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng); 4 địa phương cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể đạt được các tiêu chí kiểm soát dịch (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang).

Tại 40 địa phương còn lại, tình hình dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát, trong đó Cao Bằng là tỉnh chưa có dịch.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch chưa đạt được kết quả như mong muốn, còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục triệt để:

Một số địa phương khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện và đưa ra các giải pháp chưa phù hợp chủ trương chung của Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương; một số nơi chưa thực hiện nghiêm, triệt để yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong.”

Công tác chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại một số xã, phường còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Một số chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ cơ sở, tình nguyện viên cần tiếp tục được xem xét, bổ sung phù hợp với diễn biến dịch kéo dài, để động viên, huy động, vận động người tham gia chống dịch. Tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Các địa phương phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội.

Trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế, kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và tâm lý, tình cảm, đời sống nhân dân.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch; kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.

Các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, thực hiện triệt để các nhiệm vụ, giải pháp:

Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở đó”, nhất là việc phải thực hiện cách ly.

Đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn; khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời.

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn.

Tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.

Lãnh đạo các địa phương có trách nhiệm triển khai, kiện toàn hệ thống Hội nghị trực tuyến xuống đến cấp huyện, cấp xã để kết nối thông suốt với Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm kết nối trực tuyến phục vụ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến từng quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu vực đang áp dụng giãn cách xã hội ở Nam Định. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Đối với các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, theo hướng dẫn của Bộ Y tế phải tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn: đến 15/9/2021 tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm ngay tất cả người dân ít nhất ba lần (2-3 ngày/lần) để nhanh chóng phát hiện nguồn lây, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để tình trạng phong tỏa kéo dài trên diện rộng và tổ chức thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị F0 phù hợp, hiệu quả; các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất một lần (từ 5-7 ngày/lần).

Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị và đảm bảo đủ máy thở, ô xy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong; Thiết lập và vận hành hiệu quả các Trạm Y tế lưu động.

Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ theo phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”; tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao, người phục vụ phòng, chống dịch và công nhân trong các doanh nghiệp.

Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An hoàn thành tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian; nghiên cứu vấn đề vaccine cho trẻ em; Tiếp tục phát huy vai trò của các Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ đáp ứng nhanh cộng đồng, Tổ quản lý, chăm sóc F0 tại nhà.

Đối với các địa phương khác, chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 2/9/2021 để kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng nhanh, kịp thời với diễn biến dịch ngay khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng hoặc trong trường hợp số ca mắc tăng nhanh.

Chủ động tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, thu dung, điều trị về phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân viên y tế.

Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ với quan điểm; ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu (lực lượng y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên...), người cao tuổi, người có bệnh lý nền, công nhân tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…

Chủ động mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, nhất là về máy thở, ôxy y tế để kịp thời đáp ứng với các diễn biến dịch.

Chủ động đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên rà soát về nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, cơ sở điều trị để đáp ứng với diễn biến dịch trên địa bàn. Đảm bảo tối đa nguồn lực cho phòng, chống dịch để đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc, nhất là tại các khu vực giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội; tổ chức các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa, xuống tận các tổ dân phố, khu dân cư đảm bảo an toàn; tổ chức tốt chương trình năm học mới gắn với công tác chống dịch để dạy và học hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự trong công nhân và các khu công nghiệp, không để hình thành các điểm nóng phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh tình hình dịch phức tạp; bảo đảm môi trường lành mạnh cho an sinh, an dân.

Từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu...

Tiếp tục đảm bảo cung cấp thông tin về dịch bệnh minh bạch, kịp thời đến người dân; tuyên truyền, vận động, kêu gọi nhân dân phòng chống dịch để “Dân biết-Dân hiểu-Dân tin-Dân theo-Dân làm”, người dân yên tâm và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tuân thủ thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

Chủ động nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi đã tiêm chủng vaccine và đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế, trước hết là các phương án, biện pháp bảo đảm đi lại an toàn, vận tải an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, học tập an toàn...

Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp trên trực tiếp.

Các Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Trưởng các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổng hợp báo cáo kết quả và đề xuất nội dung cần thiết để Trưởng ban chỉ đạo có ý kiến chỉ đạo thực hiện./.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 17h ngày 9/9

Trong nước:
- Số ca nhiễm: 576.096
- Số ca tử vong: 14.470, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 11.409, Hà Nội 47.
- Số ca khỏi bệnh: 338.170
- Tiêm chủng: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 24.781.185 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 20.591.403 liều, tiêm mũi 2 là 4.189.782 liều.

Thế giới:
- Số ca nhiễm: 223.475.490
- Số ca tử vong: 4.611.347
- Số ca hồi phục: 200.011.154

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục