Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ; Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các Bộ: Y tế, Giao thông Vận tải, Công Thương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 kiến nghị áp dụng quy tắc vận tải an toàn phòng dịch COVID-19 mà không cần xét nghiệm PCR.
Ông Lê Duy Hiệp cho biết, hiện nay, dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải và logistics trên cả nước. Rủi ro về đứt gãy sản xuất, đứt gãy lao động và hiện tại là đứt gãy vận tải đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.
Để giảm thiểu sự rủi ro ảnh hưởng của dịch đến hoạt động vận tải-logistics liên quan đến đời sống nhân dân và đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu cho quốc gia, từ góc độ chuyên môn ngành nghề, dựa trên quan sát sự tắc nghẽn vận tải hàng hóa từ phía Bắc đến phía Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã kiến nghị về “Quy tắc vận tải an toàn phòng dịch COVID-19.”
[4 ca nhiễm COVID-19 mới tại quận Thanh Xuân và KCN Thăng Long]
Hiệp hội cho biết, hoàn toàn nhất trí với quy định của Công văn 898/BYT-MT về việc “yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày.”
Hiệp hội VLA đề xuất phát triển thành “Quy tắc vận tải an toàn phòng dịch COVID-19” theo hướng, doanh nghiệp vận tải và lái xe thực hiện nghiêm chỉnh quy định trên tại Công văn 898/BYT-MT. Lái xe thực hiện nguyên tắc không rời khỏi cabin khi ra/vào, giao nhận hàng hóa tại vùng dịch. Đơn vị giao/nhận hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm về bốc xếp hàng hóa, không tiếp xúc lái xe.
“Hiệp hội VLA cho rằng, với Quy tắc vận tải an toàn phòng dịch nói trên sẽ đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 vì lái xe khi ở bên trên cabin thực hiện nguyên tắc không tiếp xúc, sẽ không còn là nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng,” ông Lê Duy Hiệp cho biết.
Công văn 898/BYT-MTV nêu quy định về việc “tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển.
Hiệp hội VLA đề xuất với Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các bộ và Ủy ban Nhân dân các địa phương xem xét miễn thực hiện quy định này nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, tiết giảm nguồn lực kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước đang gánh rất nhiều trọng trách khác về phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn về chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp vận tải.
“Hơn nữa, lực lượng lái xe hiện nay là lực lượng cần được bảo vệ nhất, vì họ đang gánh vác trách nhiệm nặng nề đảm bảo hàng hóa thiết yếu đến tay người dân và đảm bảo xuất nhập khẩu thông suốt. Việc tránh cho lực lượng lái xe tham gia vào các điểm kiểm tra COVID-19 thường là các điểm tụ tập đông người, là sự bảo vệ lao động quan trọng,” Hiệp hội VLA nêu.
Hiệp hội này cho biết, sẽ đồng hành kêu gọi toàn thể các doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp dịch vụ logistics tuân thủ quy tắc mới về “vận tải an toàn phòng dịch COVID-19” nói trên và các doanh nghiệp vận tải-doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ cam kết chịu trách nhiệm phòng tránh dịch bệnh theo quy định của pháp luật và bồi thường thiệt hại phát sinh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đề xuất Bộ Y tế ưu tiên xem xét tiêm phòng cho lực lượng lái xe, lao động đang thực hiện công tác tại cảng, kho, bãi, khai báo hải quan... có điều kiện được tiêm phòng sớm nhất.
Trong khi chờ đợi, Bộ Y tế hỗ trợ nguồn bộ kit test nhanh kháng nguyên để doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp dịch vụ logistics chủ động xét nghiệm, tích cực tự rà soát lao động của chính mình.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã áp dụng các biện pháp siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, đưa ra quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được lưu thông khiến nhiều lái xe nghỉ việc. Có nơi như Hải Phòng, xe ô tô xếp hàng dài chờ kiểm tra giấy xét nghiệm tại chốt ra vào thành phố.
Tại Bắc Ninh, trước tình hình người và lái xe đi trên các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách đường dài, qua nhiều tỉnh/thành phố, điển hình là trường hợp 3 lái xe di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bắc Ninh ngày 8/7 khi xét nghiệm có kết quả dương tính, ngày 9/7, địa phương này đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện giao thông vận tải.
Theo đó, lãnh đạo Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thông báo ngay cho tất cả các đối tác, khách hàng đến liên hệ công tác; lái xe, phụ xe, người bốc xếp theo xe chở hàng hóa từ các tỉnh/thành phố khác (đặc biệt là các phương tiện không đi theo hướng tuyến cố định, các xe chở hàng đường dài, người và phương tiện đến từ vùng dịch) khi vào địa phận tỉnh phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 tiếng.
Trong thời gian bốc dỡ hàng hóa tại tỉnh Bắc Ninh, nếu phiếu xét nghiệm hết hạn, người lái xe, phụ xe, bốc xếp đến các địa điểm xét nghiệm trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khi quay trở về các tỉnh/thành khác.
Các sở, ngành và đơn vị có liên quan phối hợp, tạo điều kiện nhanh nhất cho người lái xe, phụ xe và các phương tiện.
Đối với các trường hợp nêu trên, mặc dù đã có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 tiếng, nhưng để đảm bảo an toàn, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp bố trí nhân viên y tế, người đã được tập huấn lấy mẫu xét nghiệm (hoặc thuê đơn vị có chuyên môn) tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) cho các trường hợp nêu trên ngay tại cổng nhà máy/doanh nghiệp của mình trước khi vào làm việc, giao nhận hàng.
Bố trí nơi làm việc ở các khu vực riêng biệt (nếu có thể), hạn chế tối đa việc tiếp xúc không cần thiết với người xung quanh trong quá trình làm việc, giao nhận hàng./.