Kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ cho doanh nghiệp truyền thông và báo chí

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Chính phủ cho phóng viên, lao động cơ quan báo chí được hưởng một số đặc thù theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 10/4, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin-truyền thông và báo chí.

Liên quan đến lĩnh vực báo chí, văn bản nêu rõ: Trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng nặng nề.

Báo in giảm phát hành vì dịch bệnh, khó phát hành được trong thời gian giãn cách xã hội.

Báo điện tử mặc dù có lượng người đọc tăng vọt nhưng quảng cáo giảm thậm chí không có, vì doanh nghiệp khó khăn, các hợp đồng truyền thông đã ký trước cũng bị đình, hoãn.

Nguồn thu của các đài phát thanh-truyền hình bị sụt giảm mạnh do các doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn thu quảng cáo giảm mạnh...

[Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị hỗ trợ báo chí trong dịch COVID-19]

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có gói hỗ trợ cấp bách của ngân sách Trung ương năm 2020 để giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các cơ quan báo chí tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và cơ quan báo chí tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Cụ thể, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cấp bách về tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh và tình hình khắc phục tác động tiêu cực của dịch COVID-19, tình hình phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội sau đại dịch; hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Chính phủ cho phóng viên, lao động cơ quan báo chí trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch là người lao động tham gia phòng, chống dịch và được hưởng một số đặc thù theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tùy từng trường hợp cụ thể, được áp dụng các mức phụ cấp theo quy định: Phụ cấp cho đối tượng tiếp xúc với người lây nhiễm đối với phóng viên tiếp xúc với người lây nhiễm; phụ cấp cho người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung đối với phóng viên tiếp xúc với người lây nhiễm; phụ cấp cho người làm công tác thường trực chống dịch đối với phóng viên và cán bộ cơ quan báo chí làm công tác thường trực viết, đưa tin bài về phòng, chống dịch bệnh.

Bộ đề nghị Chính phủ cho các đài phát thanh, truyền hình hiện nay đang được ngân sách Nhà nước cấp (một phần hoặc toàn bộ) gia hạn thời gian thực hiện tự chủ chi thường xuyên sang năm 2022, thay vì năm 2020 như quy định trong quy hoạch báo chí.

Bộ cũng đề nghị Chính phủ cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hiện có của đơn vị để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch trong cơ quan, mua sắm trang thiết bị phục vụ tác nghiệp của phóng viên, bổ sung thu nhập bảo đảm đời sống vật chất cho cán bộ, phóng viên trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính và chuyển phát; các doanh nghiệp viễn thông; các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; các nhà xuất bản, các doanh nghiệp in và phát hành.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các Bộ: Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp thông tin-truyền thông và báo chí phát triển trong và sau dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính bổ sung các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, nội dung số, phần mềm, in, phát hành, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh, truyền hình thuộc các đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp lĩnh vực thông tin-truyền thông và báo chí...

Bộ đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm, xem xét, đưa các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: bưu chính, công nghệ thông tin, in, phát hành và cơ quan báo chí, xuất bản vào danh sách đối tượng được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 12/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục