Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu ở TPHCM do đơn hàng giảm

Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu ở TPHCM do đơn hàng giảm ảnh 1Xuất nhập khẩu hàng hóa giảm. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Quý 1/2023, đơn hàng xuất khẩu nhiều mặt hàng tiếp tục sụt giảm sâu khiến hầu hết doanh nghiệp rơi vào khó khăn bởi không đủ nguồn vốn để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) đã kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.

Đơn hàng tiếp tục giảm

Số liệu của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, quý 1/2023 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố ước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ 2022.

Nguyên nhân do doanh nghiệp chịu tác động bởi suy giảm tổng cầu từ nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế bị ảnh hưởng, đơn hàng từ thị trường thế giới giảm và tình trạng có thể kéo dài đến giữa năm 2023.

Theo thông tin của HUBA, trong quý 1/2023 hầu hết ngành nghề vẫn đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số ngành nghề như lương thực thực phẩm, tuy có sự tăng trưởng sản phẩm đồ uống và một số loại thực phẩm nhưng toàn ngành lại sụt giảm. 

Doanh số quý 1/2023 ước giảm khoảng 2%. Nguyên nhân đến từ việc tiêu thụ xuất khẩu lẫn nội địa đều giảm sâu. Dự báo trong quý 2 tiếp tục giảm khoảng 4,07%.

Tương tự, ngành dệt may cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi phí một cách tối đa.

Ngay cả ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, tình hình xuất khẩu cũng giảm 15%; trong đó, các sản phẩm dăm, viên nén, paleet, đồ gỗ giảm đến 45%. Chưa kể thị trường nội địa cũng đón nhận những đợt sụt giảm lớn về tiêu thụ.

Đáng chú ý, hiện khoảng 40% doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ thêm nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có thay đổi. Tương tự, nhiều tháng qua, thị trường bất động sản khó khăn khiến các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực HUBA phân tích, khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp dệt may đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. 

[Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vượt khó duy trì sản xuất]

Từ giữa năm 2022 đến nay các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành dệt may.

Thêm vào đó, doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu ở TPHCM do đơn hàng giảm ảnh 2Sản xuất gỗ ván ép cong xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Thông qua các cuộc khảo sát của HUBA, có tới 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi cho biết đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%. 

Số lượng doanh nghiệp trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ là 41,2%.

Các doanh nghiệp cho rằng, dù Nhà nước đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế, song trên thực tế việc thụ hưởng chưa nhiều, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn khi tỷ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%.

Tạo động lực tăng trưởng

HUBA nêu vấn đề, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu... và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp. Nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo, nên công ty gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, để có thêm nhiều trợ lực cho doanh nghiệp, HUBA đề xuất Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hàng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay một năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỉ lệ "biên độ lãi ròng" ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

HUBA kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường. Bởi nếu lãi suất vay cao ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm nên rất khó cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

Đề cập đến Chương trình kích cầu thông qua đầu tư triển khai đã hơn 20 năm qua nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để các chủ đầu tư thực hiện dự án, HUBA cho rằng, chương trình đã mang lại thành công cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 2 năm nay chương trình bị dừng lại không triển khai làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành liên quan.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất Thành phố xem xét khơi thông lại chương trình kích cầu đầu tư nhằm giải cứu cho doanh nghiệp đã tham gia mà không được giải ngân. Song song đó, kiến nghị Thành phố thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP Về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP hỗ trợ lãi suất với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Đối với vấn đề thị trường, HUBA đề xuất tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả việc liên kết giữa doanh nghiệp tại các tỉnh, thành thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, có lộ trình, theo dõi, kiểm tra và đánh giá để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả trên cơ sở tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát huy thế mạnh từng địa phương.

Về xuất khẩu, thành phố cần thiết lập kênh kết nối định kỳ với cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, nhằm thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đầu tư, giao thương Việt Nam với nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan sứ quán triển khai công cụ trực tuyến, tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường mới còn nhiều tiềm năng./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục