Trước thềm cuộc họp Hội đồng lần thứ 24 của Ủy hội sông Mekong, sáng 28/11, Liên minh cứu sông Mekong đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia tạm ngừng việc xây dựng các dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong vì cho rằng các dự án này đang hủy hoại môi trường, an ninh lương thực của khu vực.
Trong Bản tuyên bố gửi Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia vào sáng nay, Liên minh cứu sông Mekong cho rằng các đập thủy điện trên dòng chính song Mekong là mối đe dọa lớn nhất đối với nghề cá của khu vực, đặt hàng triệu người dân hạ lưu sông Mekong vào nguy cơ mất sinh kế và an ninh lương thực.
[Thúc đẩy hợp tác khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong]
Đặc biệt đối với Việt Nam, gần đây, nông dân và ngư dân đã bị giảm năng suất nông nghiệp do tác động của các con đập ở dòng chính của sông Mekong, khiến nền xuất khẩu lương thực 10 tỷ USD hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị tổn thất nặng nề do thiếu nguồn nước và suy giảm lượng phù sa...
Chính vì thế, Liên minh cứu sông Mekong kêu gọi các chính phủ hạ lưu vực sông Mekong cam kết tạm ngừng xây dựng đập, trong bối cảnh các chính sách và cơ sở hạ tầng của khu vực đang có điều kiện hỗ trợ các giải pháp năng lượng tái tạo thay thế.
Thông tin từ Liên minh cứu sông Mekong cũng cho biết, hiện các nghiên cứu khoa học vẫn chưa được coi trọng trong cuộc đua phát triển các dự án đập thủy điện hủy hoại môi trường và tác động tiêu cực tới xã hội. Điều này đặt an ninh lương thực của người dân dễ bị tổn thương trong khu vực rơi vào vòng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, các quy trình ra quyết định hiện nay cũng không rõ ràng và không có sự tham gia, đặc biệt là việc tham vấn với các cộng đồng bị ảnh hưởng hiện vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, việc lập kế hoạch và ra quyết định phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong hiện nay đang được thực hiện trên cơ sở từng dự án, thiếu các dữ liệu nền phù hợp, thiếu các đánh giá tác động xuyên biên giới cũng như tác động tích lũy của các dự án đang được xây dựng.
Trong khi đó, quá trình tham vấn trước hiện nay còn yếu kém về phân tích khoa học và chưa quan tâm đúng mức đến những mối quan ngại chính đáng của người dân địa phương, những người chịu thiệt hại nhiều nhất khi nguồn tài nguyên của con sông bị hủy hoại.
“Tất cả vấn đề này đã tồn tại suốt từ quá trình quy trình lập kế hoạch, phê duyệt và tham vấn trước của dự án Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng,” tuyên bố nhấn mạnh.
Các giải pháp thay thế xây đập trên sông Mekong
Theo nghiên cứu của Liên minh cứu sông Mekong, hiện nay, 11 dự án đập thủy điện xây dựng trên dòng chính sông Mekong chỉ cung cấp khoảng 8% dự báo nhu cầu điện hạ lưu. Trong khi, nhu cầu điện dự báo có thể được cung cấp bởi các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, sinh khối...
Các giải pháp thay thế hiện có thể đáp ứng nhu cầu này một cách có trách nhiệm và bền vững hơn. Trong những năm tới, các dự án thủy điện mới của Ủy hội sông Mekong sẽ phải cạnh tranh với các lựa chọn rẻ hơn, kể cả giá khí đốt tự nhiên cũng như các công nghệ năng lượng mặt trời, gió ngày càng có giá cả phải chăng và hiệu quả.
Chỉ riêng trong giai đoạn 2015-2016, giá trung bình toàn cầu của điện mặt trời giảm 13% và điện gió giảm 10,75%. Chi phí giảm nhanh chóng đã đặt giá năng lượng mặt trời xuống mức gần với giá với thủy điện, trong khi lại ít gây ra tác động môi trường hoặc xã hội.
Từ thực tế nêu trên, Liên minh cứu sông Mekong đề nghị Chính phủ các nước hạ lưu sông Mekong cam kết tạm dừng các dự án thủy điện quy mô lớn trong khi các chính sách khu vực và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo đang tiến triển. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thực sự mà không mất đi lợi ích mà một con sông trù phú có thể mang lại./.