Ngày 11/3, đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp về dự án cầu Rạch Miễu 2 và tuyến An Hữu-Cao Lãnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, hiện lưu lượng xe đông, do đó cầu Rạch Miễu đang gặp tình trạng quá tải. Vào dịp lễ Tết, cuối tuần thường xuyên bị kẹt xe.
Ngoài ra, cầu Rạch Miễu 2 không chỉ cho Bến Tre mà cho cả khu vực Duyên hải phía Đông Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng, đồng thời cũng giảm áp lực cho Quốc lộ 1. Do đó, tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng cho đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2.
Bên cạnh đó, quan điểm của địa phương sẽ thống nhất xây dựng cầu Rạch Miễu 2 bằng ngân sách nhà nước, vì phương án đầu tư kêu gọi nguồn vốn ODA mất thời gian, trong khi giải quyết tình trạng ùn tắc, kẹt xe đang cấp bách.
Theo tư vấn đề xuất, nếu sử dụng vốn ngân sách sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành 2 năm so với sử dụng vốn ODA, đây là điều rất rõ để thấy rằng việc sử dụng vốn ngân sách cho cầu Rạch Miễu 2 là cần thiết.
Mặt khác, địa phương Bến Tre mong muốn thực hiện phương án đầu tư cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8km về phía thượng lưu, đồng thời chọn phương án đầu tư cầu chính và đường dẫn nối từ cầu Rạch Miễu 2 đến cầu Hàm Luông, tránh phải đi qua QL57 sẽ tạo thêm nút thắt tại vòng xoay đi vào thành phố Bến Tre.
Đơn vị tư vấn đưa ra các phương án đầu tư theo hình thức BOT, vốn ngân sách, vốn ODA. Tuy nhiên, phương án BOT là không khả thi vì ở trên tuyến Ql60 hiện đã có 2 dự án BOT.
Phương án đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất mất thời gian vì phải chờ hiệp định vay, theo tính toán nhanh nhất phải đến 6 năm, đến 2026 mới hoàn thành. Trong khi đó, nếu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, thời gian chỉ 4 năm, tức đến khoảng 2024 có thể hoàn thành.
[Bến Tre: Tắc đường nghiêm trọng hàng giờ liền tại cầu Rạch Miễu]
Tại buổi làm việc, phương án thứ hai xây dựng cầu Rạch Miễu 2 bằng vốn ngân sách nhà nước được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương quan tâm vì có nhiều ưu điểm và tính khả thi cao.
Khi đó, cầu Rạch Miễu 2 sẽ được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8km về phía thượng lưu với tổng chiều dài cầu và đường khoảng 17,5km.
Phần mặt cầu rộng 17,5m, gồm phần cầu dây văng, đoạn qua cồn Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang) và cầu bê tông với tổng chiều dài khoảng 3,5km.
Phần đường phía Bến Tre dài khoảng 8,9km, mặt đường rộng 20,5m nối vào quốc lộ 60 và ra cầu Hàm Luông. Tổng nguồn vốn đầu tư, xây dựng dự kiến khoảng 4.615 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc đi lại của người dân, phương tiện qua vùng phía Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn vì cầu Rạch Miễu quá tải, thường xuyên ùn tắc dịp lễ, tết.
Do đó, cần nhanh chóng xây dựng cầu Rạch Miễu 2 để đảm bảo giao thông cho khu vực. Mặt khác, do tiến độ nếu sử dụng nguồn vốn ODA quá chậm khi triển khai dự án nên thống nhất sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội xin ý kiến phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Về phương án, cầu Rạch Miễu phải đủ bốn làn xe cơ giới trên cầu để đồng bộ bốn làn xe khi xe lưu thông trên tuyến này.
Việc đầu tư giải phóng mặt bằng chỉ làm một lần, không dây dưa tránh việc ảnh hưởng đến đời sống người dân. Có phương án xử lý triệt để, không để lún sau khi đưa vào khai thác, mặt đường bằng thảm bêtông nhựa triệt để.
Lộ trình chuẩn bị phải thực hiện các bước đầy đủ và đây cũng là dự án ưu tiên số một của Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, Quốc hội xem xét để khi được phê duyệt có thể triển khai ngay.
Dự kiến sớm nhất đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Rạch Miễu 2 nhằm giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên cầu Rạch Miễu hiện nay.
Về dự án tuyến đường An Hữu-Cao Lãnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng đây là tuyến đường quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng.
Khi đó, lượng phương tiện đi theo hướng cầu Vàm Cống qua cầu Cao Lãnh vào cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tăng cao sẽ tạo áp lực lớn cho quốc lộ 30 hiện hữu.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn triển khai nhanh dự án để báo cáo Chính phủ xây dựng tuyến An Hữu-Cao Lãnh theo phương án xây dựng đường cao tốc với 4 làn xe./.