Ngày 4/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức hội thảo “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong."
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 70 học giả, nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý, đại diện của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại diện cộng đồng người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long cùng đại diện Ủy ban sông Mekong quốc gia Lào, Campuchia và Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Hiểm họa khôn lường...
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam Nguyễn Thái Lai cho rằng việc 11 công trình thủy điện đề xuất trên dòng chính sông Mekong thuộc hạ lưu sông Mekong của các quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam (nằm trên lãnh thổ Thái Lan, Lào và Campuchia) đang dấy lên mối quan ngại về khả năng gây ra các tác động bất lợi tới môi trường, kinh tế, xã hội tại các quốc gia ven sông, đặc biệt là tác động tới châu thổ sông Mekong của Campuchia và Việt Nam.
Ba kịch bản phát triển 11 đập thủy điện gồm công trình thủy điện dòng chính, công trình dòng chính và thủy điện dòng nhánh, công trình dòng chính và chuyển nước. Mặt khác, gần đây việc tiến hành xây dựng các công trình thủy điện dòng chính đầu tiên đã gây ra nhiều quan ngại trong khu vực trước các cảnh báo của các nhà khoa học và cộng đồng về các tác động bất lợi tiềm tàng mà các công trình dòng chính có thể gây ra.
Theo báo cáo nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong công bố tại hội thảo, về tổng thể, việc phát triển thủy điện dòng chính ở hạ lưu sông Mekong có thể gây ra các tổn thất lâu dài và không thể phục hồi được đối với vùng đồng bằng ngập lũ và môi trường thủy sinh, gây tác động tiêu cực tới các điều kiện sống của hàng triệu người dân trong vùng, từ đó tạo ra các gánh nặng lên các nền kinh tế địa phương và khu vực.
Chế độ vận hành phủ đỉnh hàng ngày và tích nước trong mùa khô của bậc thang thủy điện dòng chính có thể gây tác động từ lớn tới nghiêm trọng lên chế độ dòng chảy (sụt giảm tổng lượng 10 ngày tại Krachê (Campuchia) đến 60% và tại Tân Châu và Châu Đốc (Việt Nam) là 40%. Tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% tại Krachê, Tân Châu, Châu Đốc và nhỏ hơn ở những vị trí xa dòng chính, sẽ làm giảm mạnh năng suất sinh học và sản lượng nông nghiệp, làm gia tăng xói lở và ảnh hưởng tới diễn biến bồi lắng vùng ven sông, ven biển.
Cùng với đó, tình trạng xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển. Tuyến di cư của các loài cá có tính di cư xa (cá trắng), chiếm tới 74% sản lượng của 10 loài cá có giá trị kinh tế lớn nhất sẽ bị hoàn toàn cản trở. Các đập thủy điện cũng sẽ cản trở sự di chuyển lên thượng lưu và xuống hạ du của tất cả các loài cá, các sinh vật thủy sinh di cư khác.
Nói chung, các đập thủy điện sẽ gây sụt giảm mạnh sản lượng đánh bắt cá tới 50% cho cả Việt Nam và Campuchia; tác động bất lợi tới an ninh lương thực, sinh kế, phúc lợi xã hội và kinh tế của phần lớn người dân sống trong vùng đồng bằng ngập lũ của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nghề cá và các nghề có liên quan.
Phát triển đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong cũng gây bất lợi tới đa dạng sinh học, từ mức độ lớn tới nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng tới 10% các loài cá của Việt Nam và Campuchia, giảm số lượng các loài cá di cư còn sống sót, làm mất đi loài cá heo nước ngọt sông Mekong, giảm phân bố và số lượng các loài nhuyễn thể nước ngọt và giảm khả năng di chuyển của các loài thân mềm.
Về giao thông đường thủy, đập thủy điện sẽ tác động tiêu cực tới điều kiện lưu thông không cho tàu thuyền ở hạ du các đập vận hành phủ đỉnh hàng ngày hoặc tích xả bất thường; tác động lên sinh kế của người dân trong vùng do gia tăng xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, châu thổ sông Mekong là một hệ di sản thiên nhiên độc đáo mang tầm quốc gia và quốc tế, bậc thang thủy điện dòng chính sẽ làm thay đổi hoàn toàn và vĩnh viễn hệ di sản này dẫn tới tình trạng suy thoái tất cả các giá trị hiện có.
Đi vào những con số cụ thể, báo cáo nghiên cứu cho thấy, đập thủy điện sẽ làm mất khoảng 3.400 tấn/năm phốt phát trong các cánh đồng ngập lũ nên sẽ phải mất 24 triệu USD/năm để mua phân bón thay thế. Ở Việt Nam, lượng bùn sẽ giảm 2,4 triệu tấn/năm (74%), sét giảm 0,02 triệu tấn/năm (1%), dẫn đến sản lượng lúa giảm từ 2,3-2,5%/năm, sản lượng ngô giảm từ 21-22%/năm. Bù lại, nông dân Việt Nam sẽ phải cần trên 22.000 tấn N (đạm), 3.300 tấn phốt phát và 11.000 tấn Kali để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng kể trên. Với Campuchia, hàng năm sẽ giảm 12,3 triệu tấn bùn (74%), 0,2 triệu tấn sét (3%).
Đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ làm giảm mức tiêu thụ cá từ 10kg/người/năm đối với Việt Nam và 21kg/người/năm đối với Campuchia; đồng thời, khiến việc chuyển sang nguồn protein khác sẽ buộc người dân sử dụng đất, tăng chi phí và tác động đến môi trường.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, lần lượt hơn 50% và 20% số xã bị tác động bởi ảnh hưởng lũ. Hệ quả chung là mỗi năm ngành nông nghiệp của Việt Nam giảm trên 3.750 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng ngành thủy sản.
Trong khi đó, Campuchia có hơn 50% trong tổng số 661 xã dọc sông chính và quanh Biển Hồ bị ngập sâu hơn 50cm trong 10 ngày, làm giảm doanh thu ròng 66 tỷ KHR/năm (giảm 4%) cho ngành nông nghiệp, riêng tỉnh Kandal và Kampong Cham bị ảnh hưởng nặng nhất.
Nhiều kiến nghị quan trọng
Trước diễn biến phức tạp, khôn lường mà các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong có thể gây ra, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã đề xuất tiến hành nghiên cứu tác động của đập thủy điện với sự tham gia của Chính phủ Lào, Campuchia và nhóm t ư vấn quốc tế gồm Tập đoàn DHI của Đan Mạch cùng Công ty HDR của Mỹ cũng như hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới.
Vì thế, báo cáo nghiên cứu nói trên được công bố tại hội thảo đã đảm bảo tính khách quan, chân thực, đạt được các tiêu chuẩn quốc tế; tập trung vào đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực Mekong tới vùng Châu thổ sông Mekong (của cả Việt Nam và Campuchia) và vùng Biển hồ Tonle Sáp.
Dự kiến báo cáo nghiên cứu sẽ hoàn tất sẽ được chuyển giao cho các quốc gia thành viên và Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế, nhằm giúp xem xét điều chỉnh lại quy hoạch phát triển thủy điện dòng chính sông Mekong theo hướng phù hợp và hài hòa hơn.
Bàn về phương án nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong, nhiều chuyên gia cho rằng các quốc gia thành viên lưu vực cần thực hiện một phân tích đầy đủ về vị trí khác nhau của các đập và xem xét một số đập nhất định không nên xây dựng.
Bên cạnh đó, cần xem xét khả năng di chuyển vị trí một số đập đến vị trí khác nhằm duy trì lợi ích của phát triển thủy điện trong khi vẫn giảm được các tác động lên dòng chính sông Mekong và châu thổ. Bảo vệ bờ sông cần được xem là thiết kế, xây dựng đập thủy điện để ngăn ngừa mất đất do xói lở. Cùng với đó cần có các phương án giảm thiểu thay đổi xâm nhập mặn, đảm bảo dòng chảy tự nhiên.
Nhóm chuyên gia quốc tế Chis Behr và Anwar Khan cho rằng cần hạn chế xây dựng một số công trình trong bậc thang dự kiến, tránh xây dựng các bậc thang về phía hạ du, dịch chuyển vị trí tuyến đập từ dòng chính sang các dòng nhánh. Trong trường hợp xây đập nhất thiết phải có thiết kế và chiến lược quản lý phù sa, bùn, cát một cách thích hợp để tăng lượng vận chuyển bùn cát, chất dinh dưỡng và vật liệu hữu cơ; tránh xây các đập gây cản trở sự tiếp cận tới các khu vực đẻ trứng của loài cá trên dòng chính tại miền Bắc và Trung Campuchia; thiết kế và vận hành các đập để cho phép các loài trôi dạt qua hồ chứa và đập; giảm thiểu sự dao động mực nước ngày do hoạt động phát điện tối đa.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, cần kết nối lại các vùng đồng bằng ngập lũ bằng cách điều chỉnh thiết kế và hoạt động của các công trình kiểm soát lũ; tối ưu hóa thời gian xả để tạo điều kiện cho trứng, cá giống và cá di chuyển xuống hạ lưu đập, nâng cao năng lực các trạm, máy bơm để giảm thiểu sự sụt giảm mực nước. Đồng thời, các chuyên gia cho rằng cần áp dụng biện pháp nông nghiệp phi công trình nhằm bù đắp các tổn thất do thay đổi mực nước và độ mặn, cũng như thay thế tổn thất chất dinh dưỡng bồi lắng trong các đồng bằng ngập lũ bằng phân bón./.