Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biế các doanh nghiệp sẽ hoàn tất việc tiếp đón các lao động làm việc ở Libya trở về và có trách nhiệm thanh lý hợp đồng với họ sau hai tuần. Ông Hải cho biết thêm: “Đối với các trường hợp lao động xuất khẩu có vay nợ ngân hàng, chúng tôi cũng kiến nghị các ngân hàng cho khoanh và giãn nợ. Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động địa phương cũng đang có chính sách để hỗ trợ những đối tượng này.” Đối với những lao động có nhu cầu tiếp tục đi làm việc ở các nước thứ ba, Cục cũng sẽ có phương hướng ưu tiên để họ có thể đi trước những đối tượng khác. “Lao động nếu muốn đi sẽ được vay vốn ngân hàng. Bộ cũng có công văn chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương có người đi lao động phối kết hợp với doanh nghiệp cho lao động học việc, học nghề đi lao động ở nước thứ ba,” ông Hải cho biết. Ông Hải cũng cho hay, ngoài quy định Luật điều chỉnh của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đối tượng làm việc tại Libya trong thời gian bao lâu để có những tiêu chí phân loại lao động để hỗ trợ. Đề cập đến khoản tiền hỗ trợ trước mắt, ông Hải cho biết thêm, tiền đi về bằng đường biển, hàng không doanh nghiệp sẽ phải chi trả trước cho người lao động để họ về nhà trước mắt. Sau đó sẽ tính toán các khoản tiền còn lại vì còn thanh lý hợp đồng. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, những lao động từ Libya về nước sẽ được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ ban đầu một triệu đồng/người. Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng dành một khoản hỗ trợ ban đầu cho lao động để về gia đình và ổn định cuộc sống. Ông Hải cũng khẳng định: “Bộ sẽ xem xét mức hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp có đông lao động thì mức hỗ trợ sẽ quá lớn và sẽ không thể gánh hết được chi phí của người lao động.” Hiện nay, Lao động Việt Nam sang Libya có 20 doanh nghiệp đưa lao động sang đó có đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước./.
Libya được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là thị trường triển khai quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người nghèo đi xuất khẩu lao động (gồm 62 huyện nghèo) bởi thị trường này có mức lương hàng đầu của khu vực Trung Đông, trong khi yêu cầu về tay nghề lại đơn giản.
Lao động Việt Nam chỉ mới được đưa sang thị trường này từ năm 2009, nhưng đến nay đã có khoảng 10.000 người đang làm việc tại đây.
|
Bách Hùng (Vietnam+)