Theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2018-2019, ngành giáo dục và đào tạo sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương đề xuất nên lùi lại một năm do chưa chuẩn bị kịp về điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất.
Các ý kiến này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 21/8.
Theo đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố điều kiện tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo theo chương trình mới. Điều này nhằm giúp cho các địa phương có cơ sở để chuẩn bị. “Nếu còn khó khăn có thể lùi thời gian thực hiện,” vị này kiến nghị.
Đây cũng là ý kiến của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. Nhận định trong thời gian qua, Bộ đã thực hiện chương trình tổng thể một cách bài bản, tuy nhiên, vị đại diện này cho rằng ở địa phương có nhiều khó khăn.
[Chính thức thông qua chương trình giáo dục phổ thông mới]
Trong đó các vấn đề lớn là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Đội ngũ giáo viên qua nhiều thời kỳ đang còn nhiều bất cập, điều kiện trường lớp thiếu thốn.
Vì thế, Nghệ An đề nghị lùi thời gian tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để khắc phục, nhằm thực hiện hiệu quả hơn.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cũng cho rằng nếu triển khai dạy theo chương trình mới ngay từ năm 2018 là rất gấp, các địa phương chưa chuẩn bị kịp và đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo thực hiện từ năm 2019.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế thì khẳng định tâm thế đội ngũ giáo viên Huế đã rất sẵn sàng cho đổi mới, nhưng “nếu có thể được thì đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ lùi thời gian thực hiện một năm,” ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc lùi lại một năm để có thời gian cho các đơn vị triển khai bồi dưỡng giáo viên. “Chúng tôi có khoảng 17.000 giáo viên và để triển khai cho họ thấm tinh thần đổi mới cần thời gian, cũng để các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, nâng tỷ lệ học hai buổi ngày, đáp ứng nhu cầu của đổi mới,” ông Hùng phân trần.
Trước ý kiến của lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét thật kỹ và nếu thấy cần thiết thì đề nghị Chính phủ. “Đổi mới giáo dục áp dụng cho nhiều năm. Vì thế, tinh thần là khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng. Nếu thấy chưa kịp thì báo cáo các cấp,” Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng giáo viên hoàn toàn có thể mang tinh thần của đổi mới giáo dục vào ngay chương trình cũ đang giảng dạy. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu lãnh đạo ngành giáo dục, từ cấp Bộ đến cấp trường, phải chuyển tinh thần đổi mới giáo dục thấm đến từng giáo viên, thậm chí trước cả khi thực hiện đổi mới.
"Thầy cô phải có tư duy đổi mới thì giáo dục mới đi lên được," Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói./.