Kiến nghị Kiểm toán Nhà nước về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm

Hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về lĩnh vực đất đai chưa cao và không được xử lý hoặc giải quyết dứt điểm, dẫn đến các sai phạm vẫn lặp đi lặp lại.
Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra với Kiểm toán Nhà nước,” ngày 21/12. (Ảnh: Vietnam+)

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trong 3 năm (từ 2019 - 2021) chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sai phạm và vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai được phát hiện, kiến nghị xử lý khá nhiều.

Sai phạm “dây dưa”

Song, tình trạng này đang lặp đi lặp lại qua các năm và điều này cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về lĩnh vực đất đai chưa cao và không được xử lý hoặc giải quyết dứt điểm được.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai trên cơ sở đó giúp Chính phủ nâng cao hiệu quả quản lý, giúp Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và những vấn đề đặt ra với Kiểm toán Nhà nước,” ngày 21/12.

[Đề nghị các địa phương đầu tư, bố trí trụ sở Văn phòng đăng ký đất đai]

Tại hội thảo, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh công tác quản lý và sử dụng đất còn hạn chế, do văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn.

Bên cạnh đó, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm thống nhất và đồng bộ. Dẫn đến, chất lượng quy hoạch không cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Thêm vào đó, việc giao đất và cho thuê đất ở một số nơi còn nhiều bất cập, sai phạm.

Phó tổng Kiểm toán cho biết ngành đã và đang thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị về việc tuân thủ quy định pháp luật, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện các hạn chế, vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước cũng từng bước đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các cơ quan có liên quan.

“Tuy nhiên, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai mới dừng ở việc chú trọng kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc thực hiện nghĩa vụ vớingân sách Nhà nước mà chưa đi sâu kiểm tra, phân tích đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai,” ông Tuấn Anh nói.

Theo giáo sư, tiến sỹ Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, các nguyên nhân cơ bản thuộc về cơ chế chính sách pháp luật và thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai bất cập, chồng chéo. Điều này đã tạo kẽ hở, lỗ hổng về chính sách pháp luật, thêm vào đó năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu và công tác thi hành chính sách, pháp luật đất đai chưa nghiêm.  Từ đó, không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng tham nhũng, trục lợi, gây ra những thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai.

Lỗ hổng “cốt tử”

Chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý, sử dụng đất đai và đề xuất, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh nêu một trong những lỗ hổng “cốt tử” trong quản lý và sử dụng đất chính là giá đất do Nhà nước xác định.

Trong đó nổi cộm nhất là khung giá đất, bảng giá đất và cách xác định giá đất cụ thể có khoảng cách quá xa và không phản ánh kịp thời biến động giá trên thị trường quyền sử dụng đất.

Ông Ánh phân tích nguyên tắc xác định giá đất sát giá thị trường song giá thị trường là gì, như thế nào lại không được làm rõ, cụ thể, có căn cứ khoa học và thực tiễn nên có thể vận dụng tùy tiện, duy ý chí.

Theo ông Ánh, phương pháp định giá đất hiện nay chưa đầy đủ, cụ thể và khả thi, như thẩm quyền định giá đất giao cho chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và cơ chế Hội đồng thẩm định giá đất chưa phù hợp và thiếu khách quan.

“Lỗ hổng liên quan đến giá đất chỉ được bịt kín khi và chỉ khi thay đổi quy trình và thẩm quyền định giá đất đi đôi với xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên liên quan trong quá trình định giá đất. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp định giá đất hàng loạt sẽ phù hợp với xác định giá đất trong những trường hợp thực hiện nghĩa vụ thu nộpngân sách Nhà nước,” ông Ánh nói.

Bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước, cho biết trong giai đoạn 2013 đến nay, ngành đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 21 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành (gồm 3 văn bản luật, 1 nghị quyết Quốc hội, 6 nghị định, 9 thông tư, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và 7 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 34 văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương ban hành và 18 văn bản khác do các địa phương ban hành.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã đề xuất và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.

Trong đó, Kiểm toán Nhà nước cần tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về đất đai ngay từ khi khi Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung; tham gia hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để đồng bộ với Luật Đất đai;

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm, từng cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực đất đai, xác định mục tiêu kiểm toán phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cần xác định nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán sát và phù hợp với mục tiêu kiểm toán, như tập trung vào những phạm vi rủi ro dễ nảy sinh lạm quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác quy hoạch, phân bổ nguồn lực đất đai, kế hoạch sử dụng, trong công tác quản lý và sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả.

Các ý kiến nhấn mạnh Kiểm toán Nhà nước cũng cần rà soát và giải quyết dứt điểm các vấn đề về kết luận, kiến nghị xử lý kiểm toán từ những năm trước về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai chưa thực hiện được để nâng cao tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Ghi nhận những kiến nghị đóng góp, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết ngành sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa để Kiểm toán Nhà nước có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục