Kiến nghị không xây dựng đường Bình Phước-Đồng Nai qua cầu Mã Đà

Bộ GTVT đánh giá việc đầu tư xây dựng tuyến kết nối Bình Phước-Đồng Nai qua vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai khó khả thi bởi gây ra các tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái.
Kiến nghị không xây dựng đường Bình Phước-Đồng Nai qua cầu Mã Đà ảnh 1Một hồ nước trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận năm 2011. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã ký công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước; trong đó, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà.

Sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia.

Bình Phước đất rộng, người thưa, có nhiều dư địa, tiềm năng phát triển, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng, nhưng còn khó khăn, thách thức; trong đó, có kết nối hạ tầng giao thông.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai giáp ranh bởi Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai đã được UNESSCO công nhận nên chưa có tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa 2 tỉnh cũng như với cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu và Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Để đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông thuận lợi, rút ngắn cự ly giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Phước, việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường kết nối trực tiếp tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai là cần thiết.

Tuy nhiên, Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới năm 2011. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái, gồm nhiều loài thực vật và động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm.

Từ năm 1997, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương và triển khai đóng cửa rừng, không cho các phương tiện qua vùng lõi và di dân để bảo vệ nguyên vẹn các diện tích rừng tự nhiên hiện có và thực hiện một số giải pháp lâm sinh để làm giàu rừng, không thực hiện hoạt động vận tải qua khu vực vùng lõi.

[Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai: “Lá phổi” xanh ở Đông Nam Bộ]

Qua nghiên cứu, đánh giá, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hai phương án làm tuyến đường kết nối Bình Phước-Đồng Nai.

Phương án thứ nhất, theo đề xuất của tỉnh Bình Phước, tuyến đường có điểm đầu tại ĐT.741, thành phố Đồng Xoài, đi theo ĐT.753 qua cầu Mã Đà, qua địa phận tỉnh Đồng Nai, tuyến tiếp tục đi theo đường Bà Hào-sân bay Rang Rang đến các đường tỉnh ĐT.761, ĐT.767 và kết nối với đường Vành đai 4, tổng chiều dài khoảng 76 km; trong đó, có khoảng 31km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Phương án này ngoài những lợi thế giúp Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên kết nối với cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành nhưng lại đi qua vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai với chiều dài khoảng 3km, gây ra các tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học do các phương tiện lưu thông.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc đầu tư xây dựng tuyến kết nối Bình Phước-Đồng Nai qua vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai là khó khả thi.

Kiến nghị không xây dựng đường Bình Phước-Đồng Nai qua cầu Mã Đà ảnh 2Một bên là địa giới hành chính tỉnh Bình Phước với những khu đất đang được canh tác nông nghiệm và một bên là vùng lõi của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Nếu đầu tư xây dựng, về trình tự theo khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp và điểm b khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư công thì dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; quá trình triển khai cần có hoạt động truyền thông để có được sự đồng thuận của các chuyên gia về môi trường, đa dạng sinh học, các nhà khoa học, người dân và có khả năng ảnh hưởng tới việc không được công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.

Phương án thứ hai, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hướng kết nối tỉnh Bình Phước với Vành đai 4, không qua cầu Mã Đà.

Điểm đầu tuyến tại ĐT.741 thành phố Đồng Xoài đi theo ĐT.753, kết nối ĐT.753 với đường Đồng Phú-Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng, kết nối về đường Vành đai 4-thành phố Hồ Chí Minh, tổng chiều dài khoảng 71km, tổng kinh phí đầu tư bổ sung thêm khoảng 530 tỷ đồng.

Theo đánh giá, hướng tuyến này là ngắn nhất, kinh phí đầu tư ít nhất. Về lâu dài, thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường Vành đai 4-thành phố Hồ Chí Minh, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu; tận dụng được ĐT.753, ĐH.416 và ĐT.746 đã được đầu tư, các tuyến đường Đồng Phú-Bình Dương, Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng đang được đầu tư xây dựng; ảnh hưởng thấp nhất đến Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai.

Từ những đánh giá trên, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh (không qua cầu Mã Đà);

Tỉnh Bình Phước chủ động cân đối nguồn vốn đầu tư mở rộng tuyến ĐT.753 theo kế hoạch của địa phương; chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh;

Giao Bộ Giao thông Vận tải cập nhật hướng tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục