Kiến nghị hỗ trợ chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Để có thể giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cần nghiên cứu xây dựng một chính sách tổng thể, đồng bộ.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí để hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho các địa phương bảo đảm việc đo đạc, cắm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cũng như cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các công ty nông-lâm nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số...

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh, đến nay, 43/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tiến hành đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất đo đạc lập bản đồ địa chính.

Các bộ, ngành có liên quan đã triển khai rà soát 275 công ty nông, lâm nghiệp. Trong đó, diện tích các nông, lâm trường dự kiến bàn giao về địa phương theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 là 465.029ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương từ trước đến nay đạt 1.086.594 ha (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565ha, theo Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029ha)…

Tuy vậy, trên thực tế, công tác quản lý đất đai vẫn còn bất cập, hạn chế cần phải được nhận diện, để giải quyết như: Hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường vẫn còn kém hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai; Nguồn lực đất đai chưa thực sự được phát huy; vẫn tiềm ẩn nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá, nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao…

[Giới chuyên gia hiến kế giải quyết tranh chấp đất đai vùng Tây Nguyên]

Ngoài ra, vấn đề quản lý ở các lâm nông trường còn lỏng lẻo, ranh giới ở nhiều nơi còn chưa phân định dẫn tới xâm lấn, giao đất tùy tiện dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp; còn có tình trạng một số nông lâm trường thuộc quản lý của các bộ, ngành Trung ương dẫn tới công tác quản lý còn gặp khó khăn; diện tích đất trả lại địa phương của các nông lâm trường do tranh chấp, vị trí không phù hợp…

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do đó, để giải quyết căn cơ, đồng bộ vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Hội đồng Dân tộc báo cáo Quốc hội bố trí ngân sách để hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị quyết số 112/2015/QH13; đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường tại địa phương.

Ngoài ra, để có thể giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cần nghiên cứu xây dựng một chính sách tổng thể, đồng bộ. Trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn cách sản xuất hiệu quả, có việc làm và thu nhập từ sản xuất tại địa phương. 

Các bộ, ngành Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động rà soát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và cơ chế chính sách như tài chính, đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ,...

Riêng lĩnh vực đất đai, ngoài các quy định hiện hành trước mắt cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo quỹ đất sản xuất và hạn chế tình trạng giao dịch đất đai bất hợp pháp đã được Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Các địa phương tiếp tục xây dựng phương án tạo quỹ đất để giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc rà soát đất có khả năng khai hoang, phục hóa trên địa bàn từng xã; rà soát quỹ đất sử dụng không hiệu quả của các nông, lâm trường, ban quản lý rừng để bàn giao lại cho địa phương quản lý, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục