Kiến nghị giải quyết các vướng mắc của dự án nhiệt điện Ô Môn

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khóa XV có buổi khảo sát, làm việc với EVN về việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc chuỗi khí-điện Lô B tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội khóa XV Nguyễn Thị Phú Hà (thứ nhất từ trái sang) tham quan tổng quan Trung tâm điện lực Ô Môn-Cần Thơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Ngày 14/3, tại thành phố Cần Thơ, Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khóa XV có buổi khảo sát, làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc chuỗi khí-điện Lô B tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Tại buổi làm việc, các thành viên của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cùng đại biểu Quốc hội của nhiều địa phương khác trong Đoàn giám sát đã đặt nhiều câu hỏi cho EVN xoay quanh nhiều khía cạnh của dự án; trong đó, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án được các đại biểu quan tâm hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khóa XV, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những thông tin báo cáo và kiến nghị của EVN tại buổi làm việc, đồng thời cho biết qua cuộc khảo sát và làm việc lần này Đoàn giám sát đã nắm thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến các khó khăn trong việc thực hiện dự án thuộc chuỗi khí-điện Lô B tại Trung tâm điện lực Ô Môn.

[PVN kiến nghị Chính phủ gỡ khó khăn cho Dự án Lô B - Ô Môn]

Để hoàn thiện hơn nội dung cho việc báo cáo giám sát, Đoàn giám sát đề nghị EVN cụ thể hóa hơn những khó khăn, vướng mắc mà tập đoàn kiến nghị, trong đó chú trọng việc làm rõ những vấn đề khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách. Từ đó, xác định được thẩm quyền xử lý của các vấn đề.

Bên cạnh đó, EVN trong các cuộc làm việc tiếp theo cần bổ sung những giải trình về đánh giá hiệu quả, lợi ích kinh tế của dự án đối với xã hội, địa phương, vùng và tập đoàn.

Đoàn làm việc sẽ tổng hợp và xem xét những nội dung nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, kiến nghị những nội dung liên quan để báo cáo các với cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời rà soát các quy định pháp luật để xem xét các nội dung được nêu có thực sự vướng cơ chế, thẩm quyền của các cơ quan đó hay không.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khóa XV, nhận định về kiến nghị của EVN trong việc đưa Dự án Trung tâm điện lực Ô Môn vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư của nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại, không chịu rủi ro tín dụng, đây là một hướng đi của tập đoàn nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn.

Tuy vậy, vấn đề này liên quan đến các quy định của Luật Quản lý nợ công, Đoàn giám sát mong muốn EVN có những đánh giá cụ thể về Dự án để làm rõ các tiêu chí ưu tiên, sao cho phù hợp quy định pháp luật.

Ngoài ra, một số vấn đề khác mà Đoàn quan tâm đó là những phân tích về mặt rủi ro quanh dự án, liên quan đến trữ lượng khí và giá thành; vấn đề về phát triển kinh tế của dự án song song với bảo vệ môi trường…

Theo Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Đào Chí Nghĩa, dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn là một dự án trọng điểm được lãnh đạo thành phố Cần Thơ rất quan tâm và tập trung nhiều nguồn lực giải quyết khó khăn trong thời gian qua. Đây được xác định là một dự án động lực không chỉ với thành phố Cần Thơ mà là cả Đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn Đại biểu Quốc hội và nhân dân thành phố mong muốn hai tập đoàn EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các khó khăn liên quan đến chuỗi khí - điện của dự án; trong đó, những vấn đề nào có thể phối hợp cần triển khai ngay.

Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của Đoàn làm việc Quốc hội lần này, các khó khăn của dự án sẽ được giải quyết thông qua tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng nhận định nếu chỉ xét các dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn và cụm khí Lô B là 2 dự án riêng lẻ thì không thể giải quyết được các vấn đề đang đặt ra.

Với những tác động mà dự án mang lại, đây nên được xem xét là một công trình mang tầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thay vì chỉ riêng thành phố Cần thơ. Từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế để đưa dự án vào danh mục công trình trọng điểm, ưu tiên của quốc gia.

Theo ông Cao Quang Quỳnh, thành viên Hội đồng Thành viên EVN, cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các dự án của EVN tại Trung tâm điện lực Ô Môn.

Hiện nay, EVN đang quản lý và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, III và IV; trong đó, dự án nhiệt điện Ô Môn I đã đi vào vận hành ổn định.

Từ khi đi vào đầu tư, EVN đã tính tới việc chuyển đổi nhiên liệu của Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I sang chạy khí khi có dòng khí đầu tiên (first gas) của khí Lô B. Tuy vậy, đến hiện nay, PVN chưa có quyết định chính thức về việc dòng khí đầu tiên sẽ cung cấp vào thời điểm nào. Đó cũng là khó khăn lớn nhất của EVN trong việc triển khai các dự án hiện tại.

EVN nêu ra 3 kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội xoay quanh các dự án tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.

Thứ nhất, EVN mong muốn PVN đẩy nhanh tiến độ khí Lô B để Tập đoàn có cơ sở triển khai chuyển đổi nhiên liệu nhiệt điện Ô Môn I, phát hành hồ sơ mời thầu của nhiệt điện Ô Môn IV.

Thứ hai, Tập đoàn kiến nghị Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện VIII; trong đó, có việc điều chỉnh công suất của Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III.

Thứ ba, EVN mong muốn dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cho vay lại, không chịu rủi ro tín dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục