Thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, cho phép được dừng việc xây dựng năm cổng chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo đã cho biết như vậy tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 21 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIII vào sáng 15/7.
Thay vào đó, thành phố sẽ triển khai phương án trang trí bằng hoa, cây xanh, panô, có các điểm nhấn như lâu nay vẫn làm vào các dịp có sự kiện quan trọng.
Kinh phí xã hội hóa do các doanh nghiệp ủng hộ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề dân sinh bức xúc, chỉnh trang đô thị, trang trí một số khu vực trung tâm đón chào Đại lễ.
Cũng theo ông Thảo, căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã nghiêm túc chỉ đạo, triển khai thực hiện như quy hoạch chi tiết và thiết kế kiến trúc năm cổng chào tại các vị trí theo đúng quyết định của Thủ tướng, tổ chức họp báo, xin ý kiến của các tổ chức chuyên môn về phương án kiến trúc, kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp kinh phí xây dựng theo phương thức xã hội hóa (không gắn với quảng cáo của doanh nghiệp). Đến nay đã có một số doanh nghiệp đăng ký đóng góp kinh phí và tổ chức xây dựng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thành phố đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của cộng đồng dân cư, dư luận xã hội, của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội và ý kiến của một số đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố.
Nhiều ý kiến cho rằng làm cổng chào là cần thiết để tạo điểm nhấn, tăng thêm không khí vui tươi, phấn khởi, khích lệ lòng tự hào của Thủ đô, của đất nước. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng làm cổng chào tốn kém là chưa cần thiết, nên dành kinh phí để giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, giúp đỡ người nghèo...
Về địa điểm xây dựng, một số ý kiến cho rằng cổng chào nên chọn ở trục đường 6, đường 32, không nên đặt ở đường Láng-Hòa Lạc; vị trí nên ở gần trung tâm thành phố, nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm, không nên xây dựng quá xa trung tâm... Cũng có ý kiến lại cho rằng cổng chào nên đặt ở giáp ranh địa giới hành chính Hà Nội với địa phương bạn…
Về phương án kiến trúc, mỹ thuật, có nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc xem xét hình thức kiến trúc của cổng chào, làm sao thể hiện được bản sắc văn hóa đặc trưng của Hà Nội, khai thác chủ đề anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, không nên quá lạm dụng hình thức trống đồng, chim hạc, không mang tính đặc trưng của Hà Nội…
Mặc dù đã đưa ra nhiều phương án để trao đổi cũng như đề nghị các Hội chuyên môn tham gia góp ý kiến và đề xuất phương án kiến trúc nhưng cho tới nay chưa có phương án kiến trúc nào đạt sự đồng thuận cao và cũng chưa đưa ra được phương án khác.
Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định kiến nghị cho phép dừng việc xây dựng năm cổng chào nói trên./.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo đã cho biết như vậy tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 21 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIII vào sáng 15/7.
Thay vào đó, thành phố sẽ triển khai phương án trang trí bằng hoa, cây xanh, panô, có các điểm nhấn như lâu nay vẫn làm vào các dịp có sự kiện quan trọng.
Kinh phí xã hội hóa do các doanh nghiệp ủng hộ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề dân sinh bức xúc, chỉnh trang đô thị, trang trí một số khu vực trung tâm đón chào Đại lễ.
Cũng theo ông Thảo, căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã nghiêm túc chỉ đạo, triển khai thực hiện như quy hoạch chi tiết và thiết kế kiến trúc năm cổng chào tại các vị trí theo đúng quyết định của Thủ tướng, tổ chức họp báo, xin ý kiến của các tổ chức chuyên môn về phương án kiến trúc, kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp kinh phí xây dựng theo phương thức xã hội hóa (không gắn với quảng cáo của doanh nghiệp). Đến nay đã có một số doanh nghiệp đăng ký đóng góp kinh phí và tổ chức xây dựng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thành phố đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của cộng đồng dân cư, dư luận xã hội, của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội và ý kiến của một số đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố.
Nhiều ý kiến cho rằng làm cổng chào là cần thiết để tạo điểm nhấn, tăng thêm không khí vui tươi, phấn khởi, khích lệ lòng tự hào của Thủ đô, của đất nước. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng làm cổng chào tốn kém là chưa cần thiết, nên dành kinh phí để giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, giúp đỡ người nghèo...
Về địa điểm xây dựng, một số ý kiến cho rằng cổng chào nên chọn ở trục đường 6, đường 32, không nên đặt ở đường Láng-Hòa Lạc; vị trí nên ở gần trung tâm thành phố, nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm, không nên xây dựng quá xa trung tâm... Cũng có ý kiến lại cho rằng cổng chào nên đặt ở giáp ranh địa giới hành chính Hà Nội với địa phương bạn…
Về phương án kiến trúc, mỹ thuật, có nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc xem xét hình thức kiến trúc của cổng chào, làm sao thể hiện được bản sắc văn hóa đặc trưng của Hà Nội, khai thác chủ đề anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, không nên quá lạm dụng hình thức trống đồng, chim hạc, không mang tính đặc trưng của Hà Nội…
Mặc dù đã đưa ra nhiều phương án để trao đổi cũng như đề nghị các Hội chuyên môn tham gia góp ý kiến và đề xuất phương án kiến trúc nhưng cho tới nay chưa có phương án kiến trúc nào đạt sự đồng thuận cao và cũng chưa đưa ra được phương án khác.
Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định kiến nghị cho phép dừng việc xây dựng năm cổng chào nói trên./.
Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)